0 comments

NHAT KY TU THIEN

Published on in

Nhật ký chuyến đi thăm Hội người mù quận 8 ngày 26/7/2020

Thân mến chào các bạn trong Hội Nhân Ái,

Tôi cũng như các bạn, là một thành viên đã từng ủng hộ và dõi theo những hoạt động của Hội Nhân Ái từ rất lâu. Mỗi khi có chương trình thiện nguyện mới tôi cũng muốn tham gia nhưng có lẽ chưa hội đủ duyên lành, nên nhiều năm qua tôi chỉ được mặc chiếc áo xanh vài lần. Những tháng gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid 19, tình hình công việc ở công ty không được tốt, tôi đã quyết định xin nghỉ việc. Trong lúc tìm kiếm công việc khác tôi tranh thủ làm những việc mình thích và nghỉ ngơi thư giãn. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn làm việc gì có ích cho xã hôi và tôi chợt nghĩ đến việc đi làm thiện nguyện cùng với Hội Nhân Ái. Một tin nhắn đăng ký tham gia được gửi cho chị Đàm - Hội trưởng và rồi tôi mong chờ cho đến ngày hôm nay 26/7 - chúng tôi đến thăm Hội Người Mù Quận 8.
Một buổi sáng mùa Hè tươi đẹp, nắng nhẹ, không khí mát mẻ, tôi hòa vào dòng người tấp nập trên phố thấy trong lòng bình an, thư thái. Do không rành đường đi nên tôi ra khỏi nhà sớm, nhưng may thay tôi không bị lạc đường nên tôi đến nơi sớm hơn giờ hẹn. Căn nhà của Hội Người Mù chỉ vài chục mét vuông, đã có một số cô bác tập trung ngồi bên trong và bên ngoài. Một chiếc loa nhỏ, một cô bé ngồi trước cái bàn nhỏ cầm micro hát lên những bài hát vui vẻ. Nhân dịp này họ sinh hoạt văn nghệ ca hát trong khi chờ đợi những người khác. Họ chấp nhận số phận và thật lạc quan yêu đời, làm cho bầu không khí bên trong căn nhà thêm sức sống mới. Đa số họ là những người già yếu, bệnh tật, neo đơn, bán vé số …Dịch Covid 19 đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, những món quà từ thiện của các mạnh thường quân từ đầu năm đến nay cũng giảm hẳn. Vì vậy cuộc sống của họ vốn đã khó khăn thì nay càng khó khăn hơn.
Tôi vừa đến thì có 1 người vừa bị té ngay trước căn nhà của Hội người mù, do 1 chiếc xe chở hàng hóa cồng kềnh va trúng. Một em thiếu niên chừng mười mấy tuổi chở 1 bao gì đó thật to đằng sau, do không thể quan sát hết chiều ngang của cái bao, nên đã va quẹt vào cô này. Cô bị trầy chân và đầu va xuống đất nên bị sưng to 1 cục. Thằng bé mặt tái mét “ Cô ơi con cũng đi chở hàng thuê cho người ta, con không có tiền…” Thế rồi mọi người xung quanh xúm lại giúp cô chườm cục u và sát trùng vết thương. Thằng bé cũng tội nghiệp như cô ấy. Nên cô cũng đã để cho thằng bé đi với lời dặn nhớ cẩn thận hơn khi chạy xe. Ở đây không có cự cãi lớn tiếng, sự hơn thua thường thấy ở bên ngoài. Sự cảm thông giữa những người nghèo thật quý giá biết bao!
Tôi đang đứng loay hoay chung với mọi người giúp cô ấy thì các thành viên của Hội cũng vừa đến. Khi mọi người dìu cô ấy vào bên trong ngồi nghỉ, tôi đã yên tâm để bắt đầu công việc sáng nay của mình.Theo như kế hoạch, Hội Nhân Ái sẽ thăm và phát quà cho 93 người Mù ở đây, mỗi phần quà gồm: 1 thùng mì, 5kg gạo, 1 phong bì 100.000đ. Chúng tôi gồm 7 người cùng với Ban phụ trách Hội Người Mù Q8, mỗi người 1 tay nhanh chóng chia quà thành từng gói, mỗi gói lại được thêm vài cái quần áo cũ do vợ chồng của Anh Ninh ( BTC) chở đến. Sau đó mỗi người phụ trách một việc: bạn thì giúp dìu từng nhóm 5 người mù ra xếp hàng để nhận quà, bạn thì xếp quà, bạn thì giúp khiêng quà…Tôi được phân công phát phong bì. Mọi việc diễn ra nhanh chóng trong trật tự. Ai nấy đều vui mừng và xúc động nói lời cảm ơn. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì được thay mặt các bạn mang lại niềm vui cho những mảnh đời khó khăn, thiếu may mắn.  Khi tôi tận tay trao phong bì vào tay họ, những bàn tay khắc khổ quờ quạng rồi run run nhận lấy, run run sờ vào áo quần để bỏ phong bì vào túi – trong tim tôi trào dâng một cảm xúc thật sâu sắc hơn rất nhiều lần so với chính tôi khi chuyển tiền đóng góp vào quỹ Hội. Khi tiếp xúc với những con người cần được sự giúp đỡ này, mình cảm thấy như chia sẻ bớt phần nào khó khăn và truyền thêm cho họ chút niềm tin, thêm chút nghị lực để sống và làm việc bằng những khả năng còn lại của mình.
Hôm nay tôi được biết thêm đã có 1 mạnh thường quân nào đó, nhân dịp này đã tặng thêm cho mỗi người 1 phần bún xào để ăn sáng. Tôi được biết thêm chị Xinh nào đó đã đóng góp vào phút cuối để phần quà của những người mù hôm nay có thêm 1 bịch gạo. Tôi cũng biết thêm đã có những bạn bè ở nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn trong mùa Covid như bao người khác, nhưng cũng luôn hướng về đất nước Việt Nam thân yêu, hướng về đồng bào nghèo khó. Thật đáng quý vô cùng. Từ những việc làm nhỏ bé của chúng tôi hôm nay, tôi cảm thấy làm 1 việc tốt và có ích cho xã hội thật ra cũng rất đơn giản, chỉ cần có tấm lòng muốn cho đi, muốn chia sẻ và yêu thương, kẻ góp công người góp của, cộng với mục đích nhân ái là có thể mang lại niềm vui hạnh phúc cho những số phận bất hạnh. Tôi tin rằng những việc làm thiện lành dù nhỏ hay lớn đều tạo ra những năng lượng tích cực cho chính bản thân mình và sẽ ảnh hưởng tích cực giúp thay đổi những người xung quanh. Nếu nhiều người cùng chung sức làm những việc thiện lành, thì cả xã hội sẽ thay đổi ngày một tốt đẹp hơn.
Tôi thật sự biết ơn Hội Nhân Ái đã luôn duy trì ngọn lửa yêu thương và mong rằng sẽ có thêm nhiều tấm lòng nhân ái đồng hành cùng với chúng tôi để làm tốt hơn nữa công việc đầy ý nghĩa nhân văn này.

Tôi đã kết thúc một buổi sáng Chủ nhật đầy ý nghĩa như thế.
Xin cảm ơn cuộc đời.

Bùi Mai Thùy Linh


Chủ Nhật, ngày 21 tháng 06 năm 2020
Hôm nay là lần đầu tiên tôi đi thiện nguyện cùng Hội Nhân Ái đến thăm Hội Người Mù  Quận 4.
Sau nhiều tháng buộc phải hạn chế ra đường do COVID, những ngày cuối tuần đến với tôi thật tẻ nhạt. Nhưng hôm nay, tôi tự nhủ sẽ là một ngày thật đẹp, thật ý nghĩa. Thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, thong thả ăn sáng, lắng nghe tiếng chim hót và ngắm nhìn bầu trời trong xanh. Đã rất lâu rồi hôm nay tôi không ngủ nướng vào ngày Chủ Nhật...
 Văn phòng của Hội Người Mù chật hẹp, khoảng đất trống ngoài sân cũng khá nhỏ, không có nhiều không gian di chuyển khiến mọi cử động trở nên thật khó khăn. Chúng tôi vừa đến là bắt tay ngay vào việc chia quà, không để cho thành viên HNM chờ đợi. Quần quật toát mồ hôi hột mất khoảng 1 tiếng để xếp đủ các phần quà ngay ngắn gồm nhu yếu phẩm, quần áo, để chuẩn bị trao đến mọi người.
Cùng thời gian đó, thành viên của HNM lần lượt đến xếp hàng ngồi trật tự. Có người già, người trẻ, có người được người thân chở đến, cũng có người tự đi một mình đến nhận.
Chẳng hiểu sao tôi lại cảm động nhất với hình ảnh chú bán vé số già. Chú đi bán vé số từ rất sớm và canh giờ để đến HNM nhận quà. Chú vừa đi vừa  quơ quơ cây gậy, vừa đi vừa nhẩm đếm số bước chân. Tôi đoán là chú quen thuộc nơi đây bằng cảm giác. Cứ chậm rãi từ từ từng bước. Khi đến nơi chú rất tự nhiên hỏi mọi người đã gọi đến tên chú chưa.
Rồi đến hình ảnh các cụ già sau khi nhận quà vịn vai nhau cùng rời đi cho khỏi lạc, giống cái cách mà chúng ta từng chơi trò “Rồng rắn lên mây” hồi nhỏ ấy.
Giây phút đó có rất nhiều suy nghĩ đã lướt qua trong đầu tôi, bởi tôi nhớ đến cảm giác tồi tệ nhất mà mình từng trải qua. Lúc đó tôi cảm thấy rằng bản thân mình đã bất hạnh lắm rồi. Nhưng nhìn những con người này xem, mỗi ngày họ đều sống trong bóng tối, có người bị mù bẩm sinh, chưa một lần biết về hình ảnh của thế giới này. Có những người lớn lên có được đôi mắt sáng, thế rồi do bệnh tật hoặc 1 tai nạn nào đó bất ngờ ập đến, họ đã vĩnh viễn mất đi ánh sáng, vĩnh viễn làm bạn với màn đêm suốt phần đời còn lại. Họ thật bất hạnh biết bao. Nghĩ đến đó thôi tôi cũng đã thấy sợ rồi.
Tôi nhớ có một câu nói rằng: “Chúng ta thường sợ những thứ mà mình không biết rõ”. Họ bước về phía trước mà không biết rõ có những gì đang chờ họ. Đi trong dò dẫm, nương tựa vào ai đó hoặc chí  ít cũng phải nhờ cây gậy dẫn đường. Vậy là mỗi một bước đi hay quyết định của họ đều dũng cảm hơn chúng ta. Khi nói chuyện nhiều hơn với họ, đúng là tôi cảm thấy mỗi người đều rất mạnh mẽ và kiên cường.
Quay trở về sau chuyến đi, trở lại với công việc bộn bề và rất nhiều áp lực. Tôi đối mặt với chúng bằng thái độ nhẹ nhàng và hoan hỉ hơn. Tôi cũng nâng niu hơn những điều nhỏ bé. Bởi lúc mệt nhoài hay tâm trạng hụt hẫng, ngước mắt nhìn bầu trời trong veo, mây trắng, nắng vàng , tôi thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều người. Tôi thầm cảm ơn khi mình có thể nhìn thấy thế giới đầy màu sắc xung quanh, có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người mình yêu thương.
Xin cảm ơn những mạnh thường quân, cảm ơn Hội Nhân Ái…đã cho tôi một ngày chủ nhật sống có ý nghĩa, giúp tôi tràn đầy năng lượng để tiếp sức cho những dự định và hoạt động sắp tới.
Tôi tự nhủ sẽ đến thăm nhiều nơi hơn, gặp nhiều người bất hạnh hơn, sống cuộc đời ý nghĩa hơn.
Nếu có dịp, tôi hi vọng bạn cũng sẽ có một chuyến đồng hành cùng Hội Nhân Ái hoặc một tổ chức thiện nguyện nào khác đều được. Để khi trở về, trái tim của bạn sẽ rộng mở hơn và cũng sẽ ngập tràn yêu thương.
Đặng Thương Thanh Tiên
Công ty Cổ Phần Đầu tư Quảng cáo Song Hành






Nhật ký ngày Chủ nhật 12/01/2020.
Hôm nay tôi tham gia chuyến từ thiện đầu tiên trong năm 2020 của Hội Nhân Ái!
Chuyến đi đã được chị Hội trưởng chuẩn bị từ mấy tuần trước. Đây là chuyến đi rất đặc biệt do hiếm khi có nhiều thành viên Ban Tổ Chức của Hội Nhân Ái cùng tham gia. Bởi trong suốt những năm qua, các thành viên BTC thay phiên nhau phụ trách từng chuyến đi, như những người làm ca làm kíp, ít khi có dịp nào cùng đi chung với nhau.
Địa điểm khai trương cho năm mới này được chọn là Mái ấm Mây Ngàn ở Chùa Cẩm Phong, quốc lộ 22, Cẩm Phong Cẩm Giang, thị xã Gò Dầu, Tây Ninh. Nơi nuôi dưỡng gần 150 cụ già neo đơn bệnh tật và khoảng 50 em bé mồ côi, bệnh tật.
Chiếc xe yêu thương của Hội Nhân Ái xuất phát từ rất sớm, lúc 5 giờ 30 phút, với một thành viên đặc biệt đáng yêu: bé Henry mới 5 tháng tuổi.  Vì mẹ của bé đã không muốn thất hứa với cả hội, thất hứa với những hoàn cảnh khó khăn mà trong thâm tâm đã hứa đi thăm..nên đành mang con theo vậy.
Chúng tôi đến nơi vào khoảng 9 giờ 30 sáng. Khi xe vào trong mái ấm, cảm giác đầu tiên của tôi là cảm thấy yên lòng khi thấy khuôn viên rộng rãi thoáng mát, nhiều phòng ốc khang trang sạch sẽ. Lúc chúng tôi đến, đã có 1-2 đoàn từ thiện khác có mặt và đang sinh hoạt với các em nhỏ và đang phát quà cho những cụ già. Điều này càng làm tôi thấy an tâm nhẹ nhõm vì nhiều mạnh thường quân đã đến nơi này. Chúng tôi chia nhau: nhóm phát quà cho các em và nhóm khác phụ xới cơm ra nồi từ những cái khay nấu bằng lò hơi, phụ múc canh, múc gà kho ra những cái thau to để đưa lên trại phát. Suất ăn trưa hôm nay gồm có canh khoai từ và thịt gà kho xả do Hội Nhân Ái tài trợ, các cụ rất phấn khởi, vì thường ngày Mái ấm này chủ yếu nấu cơm chay.
Trong số các cô bác được nuôi dưỡng tại đây có khoảng 30 cụ già bị liệt nằm 1 chỗ, phải có người chăm sóc. 1 người đút cơm xoay vòng cho 6 - 7 cụ. Nhìn các cụ già không tự chăm sóc được cho mình, mà lòng ai cũng quặn đau. Nhưng khổ hơn nữa có lẽ là những người suốt cả ngày chăm sóc cho các cụ. Nếu không có tình thương, không ai có thể lau rửa cho thân thể những cụ già nằm liệt, da nhăn nheo đồi mồi, tay chân co quắp…Có 1 cụ đã già, đã bị lẫn, nằm 1 chỗ do 1 cô phụ trách việc vệ sinh hàng ngày. Cụ không còn phân biệt ai cả, nhưng trong lòng cụ vẫn còn đọng lại 1 tình cảm đối với người đã lo lắng cho mình. Cụ ấy gọi cô chăm sóc là “Mẹ của tui đó” với vẻ mặt trìu mến nhìn Mẹ. Ở 1 nơi bất hạnh bủa vây đã hiện diện một tình cảm ấm áp “Mẹ con” như thế. Cụ quên tất cả mọi thứ, chỉ cảm nhận được Mẹ!
Sau khi lo buổi trưa cho người già, chúng tôi tiếp tục phân phát những phần cơm cho các em nhỏ tại nhà ăn tập thể. Nhìn tụi nhỏ ăn mà thương, đúng là con nhà mồ côi. Đứa nhỏ xíu cũng tự múc cơm ăn, tự cầm miếng gà gỡ xương ăn ngon lành, trong khi những đứa trạc tuổi đó ở nhà được ba mẹ đút từng muỗng cơm. Nghe bọn trẻ kháo nhau: “lâu lâu mới được 1 bữa thịt thả ga, lo ăn đi...” mà thương đứt ruột. Có những em bé nhỏ quá, khoảng hơn chục em, phải ngồi riêng để có người đút. Chị Xinh, cô Linh, mẹ chị Đàm…kiên nhẫn đút cho từng em.
Sau gần tiếng đồng hồ thì mọi việc cũng xong, cả đoàn tập trung lại để đi phát quà cho các cụ già.
Gần 200 phần quà đã được chuẩn bị chu đáo, Hội Nhân Ái cùng nhau tặng quà các cụ. Mình cũng vào được mấy phòng, chúc các cụ ăn Tết vui vẻ. Mình không dám hỏi thăm gì nhiều vì đã vào đây rồi nghĩa là các cụ không có nhà, cũng không có con cháu gì để nương tựa lúc xế chiều. Mong rằng chút quà mọn ngày hôm nay sẽ làm cho các cụ cảm thấy chút an ủi cho hoàn cảnh quá buồn của mình.
Thầy trụ trì có mời đoàn ở lại ăn trưa, nhưng cả đoàn nhất trí sẽ ăn trưa trên đường về, vì không muốn làm nhọc công hơn những anh chị phục vụ trong nhà bếp, quá bận rộn, quá mệt mỏi vì neo người.
Chuyến đi từ thiện đầu năm dương lịch và cuối năm âm lịch của Hội Nhân Ái đã kết thúc thành công tốt đẹp. Mỗi người đã có cảm xúc riêng của mình, nhưng chắc chắn mọi thành viên trong đoàn đều có chung cảm nhận muốn đem tấm lòng của hội Nhân Ái lan toả yêu thương nhiều hơn nữa đến những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.
Như vậy là đã kết thúc 1 năm từ thiện. Ban Tổ chức xin cảm ơn cả nhà đã cùng nhau đồng hành với hội Nhân Ái nhiều năm qua. Cảm ơn con Henry, mới 5 tháng tuổi đã không được ngủ ngon 1 giấc dài ngày cuối tuần để cùng mẹ Thúy hoàn thành trọn vẹn 1 chuyến đi ý nghĩa. Tối nay ngủ thật ngon con nhé! Để cho hôm nay 1 mái ấm có những cụ già, có những trẻ mồ côi được ấm lòng thêm 1 chút. Xin cảm ơn cuộc đời đã cho cả hội chúng mình được gặp nhau để cùng CHUNG MỘT TẤM LÒNG!
Xin chúc cả nhà mình một năm mới thật nhiều sức khỏe, thật hạnh phúc và bình an.
                                                           
Lê Minh Ngà
( Ban Tổ chức)

Nhật ký chuyến từ thiện ngày Chủ nhật 15 tháng 9 năm 2019.
Xin chào các Anh Chị Em trong Hội Nhân Ái và các bạn thân mến!
Mình là thành viên gắn bó với Hội Nhân Ái cũng khá lâu. Từ khi được biết đến Hội, mình có những ngày chủ nhật đáng nhớ. Một trong những ngày chủ nhật đặc biệt ấy là hôm 15 tháng 9 năm 2019 đến thăm Trung tâm Nhân Đạo Quê Hương ở Dĩ An, Bình Dương.
Như thường lệ, các bạn tham gia chuyến đi sẽ tập trung tại điểm hẹn đã thông báo. Lần này áo quần cũ do Anh Ninh Chị Trang đem theo rất nhiều, chất đầy hết các chỗ trong gầm xe. Những bao đồ cũ hôm nay hứa hẹn sẽ giúp các bé mồ côi có thêm nhiều quần áo để mặc. Sau khi đã sắp xếp mọi thứ và ổn định chỗ ngồi, bác tài cho chiếc xe lăn bánh! Tiếng cười nói bắt đầu rôm rả như mọi lần, vì cả tháng nhóm mới được gặp nhau nên có nhiều chuyện để kể. Khi xe đã đi được nửa đoạn đường, mọi người vẫn tiếp tục trò chuyện vui vẻ bỗng lắng lòng lại khi được chị Đàm và Anh Ninh giới thiệu sơ bộ về Trung tâm cũng như người sáng lập đó là Chị Huỳnh Tiểu Hương. Chưa được gặp Chị Hương, chưa được đến thăm nơi này, nhưng những thông tin về chị đã làm cho cả đoàn ngưỡng mộ, khâm phục…Bước chân vào trung tâm mình thật sự kinh ngạc và càng cảm phục về người phụ nữ ấy. Khuôn viên trung tâm thật rộng lớn chia làm nhiều khu vực: có trường tiểu học, có khu nhà dành cho các bé nam, các bé nữ riêng biệt, khu dành cho các bé khuyết tật, có khu vui chơi, giải trí, khi sinh hoạt tập thể….Bên trong sân có rất nhiều các bé đủ mọi lứa tuổi đang chơi đùa cùng nhau ở khắp nơi. Đoàn Hội Nhân Ái được 1 Thầy tiếp đón và hướng dẫn đi thăm các khu vực. Được biết hiện nay trung tâm nuôi 345 đứa trẻ. Nơi đây còn nhận được kỷ lục Việt Nam về cuốn sổ hộ khẩu dày và dài nhất Việt Nam. Các bé lớn trên 18 tuổi đã đi làm cũng phụ với mẹ Hương nuôi các em. Khoảng 20 năm về trước mẹ Hương là một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng, xinh đẹp và giàu có trong giới kinh doanh bất động sản. Bằng sự nhạy bén trong kinh doanh ở những năm 1990 chị đã sở hữu khối tài sản cả chục tỷ. Thế nhưng vị tỷ phú ấy có  trái tim luôn hướng về những người cùng khổ và bất hạnh, đi đến bất cứ đâu, gặp bất cứ ai nghèo khổ đang cần được giúp đỡ từ những trẻ em lang thang, cơ nhỡ, bụi đời đến những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa mà chị gặp được giữa dòng đời, đều nhận được sự giúp đỡ tận tình từ chị. Chẳng những vậy những hoàn cảnh quá khó khăn, đáng thương còn được chị nhận về nuôi dưỡng, bảo bọc tại nhà mình. Chị còn tham gia tích cực các chương trình, sự kiện nhân đạo khác nữa. Trong quá trình đó chị Hương ước mơ thành lập cơ sở bảo trợ xã hội để tự tay chị có thể chăm sóc những mầm non đang cần sự sống. Mẹ Hương tìm đến Bình Dương sau những khó khăn về mọi thứ, cuối cùng Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương ra đời tại thị xã Dĩ An, Bình Dương vào năm 2003 từ lúc chỉ có 30 em. Giờ đây, trung tâm đã chăm sóc và giáo dục miễn phí cho hàng trăm em. Mình thật khâm phục nghị lực của người phụ nữ ấy. Chị đã vượt qua khó khăn và nỗ lực vì những trẻ em bất hạnh, những hoàn cảnh đáng thương.
Hôm nay, thật là tiếc, Hội Nhân Ái không có may mắn được gặp chị Hương do Chị đi công tác. Mình hy vọng sẽ có thật nhiều tấm lòng nhân ái như chị để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Kính chúc Chị và các anh chị của trung tâm thật nhiều sức khỏe để tiếp tục nuôi dưỡng các bé đến trưởng thành. 
Cuối cùng xin chân thành cảm ơn Hội Nhân Ái đã giúp mình cơ hội được cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn, để hiểu và biết nhiều hơn những người tốt có trái tim nhân hậu. Chuyến đi hôm nay là một trải nghiệm thật ý nghĩa trong cuộc đời.
Xin chúc anh chị em của Hội thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc. 
Tạ Thị Huyền Trân ( Công ty Nidec Copal).

Nhật ký chuyến từ thiện ngày Chủ nhật 25.8.2019

Dear các bạn,

Sáng Chủ nhật 25.8 tuần rồi Hội mình đã đến thăm cơ sở nuôi dưỡng người già tại cơ sở Hòa Hảo ở Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Tháng trước, mình đã có dịp kể cho các bạn nghe nghị lực của 1 chàng thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi, đã dám bồng bế  1 đứa trẻ bị bỏ rơi về nhà cưu mang. Rồi nối tiếp theo, tiếp theo là những đứa trẻ sơ sinh khác lần lượt được đem về nhà để anh chăm sóc. Cho đến hôm nay số trẻ qua bàn tay anh ẵm bồng vế mái ấm đã lên đến gần 100 bé.
Tháng này mình lại có dịp kể cho các bạn nghe câu chuyện về một người phụ nữ, mà việc làm của chị ấy khiến những người như chúng ta phải nghiêng mình nể phục. Chị lập gia đình năm 17 tuổi, đến năm 20 tuổi chị quyết định ăn chay trường. Chồng chị cũng ăn chay trường cùng với chị vài năm sau đó.  Lấy chồng sinh con như mọi người bình thường, nhưng trong lòng chị luôn nung nấu 1 mong muốn là giúp đỡ các cụ già sống lang thang đầu đường xó chợ. Chị đã nói với chồng về ý nguyện đó của mình nhưng không được chồng đồng tình. Anh nói với chị nếu nuôi trẻ mồ côi thì anh ủng hộ, còn nuôi người già thì anh nhất định không cho. Người già trái tính trái nết, khó chìu, càng lớn càng sinh bệnh, càng sinh tật và càng lớn càng phải lo nghĩ chuyện hậu sự cho các cụ.  Chị vẫn không từ bỏ, mỗi ngày thuyết phục 1 ít, mưa dầm thấm lâu. Biết chồng vẫn chưa đồng ý, nhưng không còn phản đối quyết liệt như ngày xưa, chị mạnh dạn đem 1 cụ sống lang thang ngoài chợ về nuôi. Anh nhìn thấy, không nói tiếng nào! Chị chỉ mong có vậy. Chỉ cầu mong anh không nói tiếng nào là nước mắt chị đã chảy vì vui sướng. Lo lắng cho cụ như người thân ruột thịt. Khi mọi chuyện trong nhà tạm ổn, chồng con chưa đồng tình nhưng không phản đối, chị nghe ngóng ở đâu có cụ già không nơi nương tựa là chị đến tận nơi để thuyết phục đưa về nhà. Bốn cụ đầu tiên chị đưa về là những cụ có thể tự vệ sinh, tự ăn uống được. 
Tiếng lành đồn xa, người ta nhắn với chị là có 1 cụ già bị liệt không bà con thân thích, trước cụ làm nghề bán vé số, nay thì phải chịu nằm 1 chỗ. Chị không thể bỏ cụ được. Chị suy nghĩ cách để đưa cụ về nuôi dưỡng. Trước tiên, Chị xin chồng cho cất 1 chòi lá để đưa 4 cụ ra ngoài sống. Chồng chị đồng ý. Chị nhanh chóng tiến hành. Khi căn chòi lá hoàn thành chị đã đưa cụ bại liệt về đây sống chung với 4 cụ trước. Chồng biết được cũng ... không nói gì. Và chị cũng mong có vậy!
Căn chòi lá xưa kia nay là 1 cơ ngơi khang trang rộng lớn, có thể nuôi hàng trăm cụ già ...
Chị đã hoàn thành trách nhiệm đời thường, lấy chồng, sinh con, nuôi con ăn học thành tài, dựng vợ gã chồng, gia đình hạnh phúc. Đến hôm nay chồng chị đã cảm được tấm lòng của chị nên đã ủng hộ chị, hàng ngày cùng chị chăm sóc các cụ.
Gia tài làm được của gia đình chị và chồng đã dồn hết để lo cho những số phận kém may mắn này. Toàn bộ chi phí của cơ sở là do gia đình chị lo liệu. Những đứa con của Chị chúng nó tự kiếm sống bằng kiến thức chúng có sau bao năm học hành. Đất đai của hai vợ chồng có được là để xây dựng cơ sở ổn định lâu dài, không để lại cho con. Những năm sau này có nhiều người biết đến, chị mới nhận được sự giúp đỡ của những đoàn từ thiện, những manh thường quân...
....
Ngồi nghe chị kể mà trong lòng thầm cảm phục, một người phụ nữ dịu dàng với 1 mong ước khác người bình thường và chị đã làm  được điều phi thường.


Trương Thị Đàm ( BTC)




 Nhật ký chuyến từ thiện ngày Chủ nhật, 07 tháng 7 năm 2019

Hôm nay là một ngày thật ý nghĩa đối với tôi. Tình cờ có một người em đồng nghiệp (Huệ Tư) rủ tôi tham gia chuyến thiện nguyện tại Chùa Phúc Lâm ở Đồng Nai. Vì lời rủ quá chân thành nên tôi quyết định tham gia. Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp phải thức dậy từ sớm vào ngày nghỉ. Nếu không thì giờ này chắc là tôi đang “nướng qua nướng lại đây”.

6 giờ sáng, thay vì sẽ vào làm việc tất bật nhưng sáng nay chúng tôi không vào công ty, cả nhóm cùng ngồi trước cổng để chờ anh tài xế đến. Nhờ thế mà cả bọn cũng có được vài tấm ảnh kỷ niệm lúc trời mờ sáng.

Khi tất cả đã ngồi kín trên chiếc xe 16 chỗ, cả Hội có một khoảng thời gian thật vui vẻ bên nhau. Trên xe không còn phân biệt người mới người cũ, mà chỉ còn là 2 đội chơi, cùng cười lăn cười bò với cô MC thật duyên dáng, hài hước...Tôi ước gì con đường dài hơn nữa, hơn nữa...Chưa đến 9 giờ, xe vừa qua cao tốc là đã chuẩn bị đến Chùa Phúc Lâm. Vừa xuống xe, tất cả các thành viên cùng nhau khiêng những bao đồ và quà vào đại sảnh.
Ngôi Chùa khá khang trang, rộng rãi, thoáng mát. Tiếp chúng tôi chỉ có 1 sư thầy trụ trì và 1 tu sĩ. Sau này tôi được biết vị tu sĩ là em ruột của thầy trụ trì. Đi vào bên trong có khoảng hơn 50 bé nhỏ đang tập trung chơi cùng nhau, có vài cô bảo mẫu đang trông chừng. Mỗi bé được mặc một bộ đồng phục rất sáng và các bé đã hát tặng chúng tôi. Tôi ngỡ ngàng với những hình ảnh diễn ra trước mắt mình. Tôi có cảm giác vô cùng khó tả. Các bé thật dễ thương làm sao, tất cả đều trắng trẻo sạch sẽ, sao mà đáng yêu thế. Chúng sà vào lòng chúng tôi, đứa đu lên đòi bế, đứa ôm chặt không rời, cũng có vài đứa ngồi 1 góc không chơi chung với ai... Tôi cảm thấy rằng các con rất cần tình yêu thương, các con thích được ôm hôn, thích được ẵm bồng. Khi cả đoàn thay phiên nhau bồng bế các con, tôi thấy được khuôn mặt các con rất vui vẻ và mừng rỡ. Những cái ôm ẵm bồng từ những người xa lạ nhưng lại mang đến cảm giác ấm áp cho các con, làm cho lòng tôi cũng thấy ấm lên.
Tiếp tục lên lầu thăm các bé sơ sinh. Hiện có bé nhỏ nhất là 2 tháng rưỡi. Bé được đặt trước cổng Chùa lúc 1 tháng tuổi. Vào cái ngày mà những đứa trẻ khác được ba mẹ vui mừng đầy tháng thì bé được mẹ của mình “gửi gắm” cho Sư Thầy 1 cách âm thầm như vậy! Có nhiều bé còn rất nhỏ nằm trong nôi, có bé bị khuyết tật bẩm sinh: 2 mắt bị dị tật, có bé môi bị hở hàm ếch. Phần lớn các bé rất kháu khỉnh, lanh lợi, hướng đôi mắt ngây thơ về phía đoàn khách lạ.
Ngôi Chùa Phúc Lâm - nơi cưu mang hơn 80 bé mồ côi, bị Cha Mẹ sinh ra rồi nhẫn tâm bỏ mặc, lúc thì ở nghĩa trang, lúc trong toalet, lúc được gói trong bao xốp đặt nơi bãi rác, trong bụi rậm...Tất cả các bé bất hạnh không được cha mẹ thừa nhận, vì nhân duyên với Thầy đã có mặt tại nơi đây. Khi nghe các con cất tiếng hát dành tặng cho Hội: “ Cha ở đâu, Mẹ ở đâu, con có tội gì, vì sao Cha Mẹ bỏ con. Sao Cha không một lần đến thăm con”, mà nước mắt tôi rơi, lòng tôi như thắt lại, không thốt nên lời. Tôi chợt nhận ra mình thật hạnh phúc biết bao khi sinh ra đã được nâng niu, được sống trong vòng tay yêu thương của Cha Mẹ mình.
Kể từ chuyến đi thực tế hôm nay, ngay từ giây phút tôi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh của các con ở Chùa Phúc Lâm, tôi đã có suy nghĩ khác về cuộc đời mình. Trong cuộc sống mỗi người có một số phận và hoàn cảnh khác nhau. Bản thân tôi thường hay “ than thân trách phận” khi đối diện khó khăn. Qua chuyến đi này, tôi rút ra cho mình rằng “ không một gia đình nào là hoàn hảo, vẫn có cãi vã, vẫn có chiến tranh, thậm chí là sự lạnh lùng trong một thời gian rất dài, nhưng cho đến cuối cùng, gia đình vẫn là gia đình… Nơi tình yêu luôn hiện hữu”. Và tôi vẫn còn có 1 gia đình như thế để cùng nhau yêu thương. Thật hạnh phúc biết bao! Tôi cầu mong cho các con cũng sẽ nhận được nhiều tình yêu thương của các nhà hảo tâm, sẽ có nhiều đoàn hội đến thăm các con, bù đắp cho các con những bất hạnh đã qua.

Cuối cùng, tôi cảm ơn Hội Nhân Ái đã tạo cơ hội cho tôi có dịp đi chuyến thiện nguyện này. Cảm ơn Huệ Tư nhé.

Lê Thị Ngọc Vân
Nidec Copal Precision VN- CN Tân Thuận, Quận 7







 Nhật ký chuyến từ thiện ngày thứ bảy 15 tháng 6 năm 2019

Chào các anh chị em Hội Nhân Ái,
Mình là người tham gia trong đoàn đi từ thiện ngày 15/6/2019 vừa qua tại Phan Rang Ninh Thuận. Mình muốn chia sẻ một số thông tin cho cả nhà sau chuyến đi này.
Địa điểm mà hội mình chọn thăm là Cơ sở Trần Châu nuôi dưỡng những người già neo đơn cơ nhỡ không nơi nương tựa và những người tâm thần. Họ lang thang đủ mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách của phố phường được Ông Trần Châu đem về cưu mang. Các bạn nào quan tâm thì cứ vào Google search “ Trại điên Trần Châu Ninh Thuận” sẽ biết nhiều hơn về nơi này.
Nhóm từ thiện gồm có mình đi cùng với 5 người bạn khác đã đi tàu lửa ra Ninh Thuận từ sáng thứ sáu 14/6. Theo kế hoạch của Hội là vừa đi thăm trại điên Trần Châu vừa đi thăm cơ sở nuôi trẻ em mồ côi gần đó. Nhưng theo thông tin của các bạn ở địa phương thì cơ sở này đã không còn nuôi trẻ em mồ côi nữa. Các Seur vẫn dạy học cho khoảng 20 trẻ em nhưng đều có gia đình, sáng đưa đến chiều đón về, có 2-3 em bị bệnh bại não nhưng đều thuộc gia đình có điều kiện kinh tế khá giả.
Thế là mình đã chuyển hướng tìm các cơ sở nuôi trẻ mồ côi khác. Kết quả là toàn Ninh Thuận chỉ có 2 cơ sở nuôi trẻ mồ côi, 1 là của nhà nước - do nhà nước bảo trợ kinh phí và 1 là của tư nhân. Mình đã tìm đến cơ sở của tư nhân. Cơ sở này nằm tại thành phố Phan Rang. Khi mình đến cơ sở thì chỉ gặp 2 em học lớp 11 ở nhà và đang phụ bán hàng. Hỏi thăm người chủ cơ sở thì biết là cơ sở này cách đây 6 năm đã không nhận thêm trẻ em mồ côi nữa, lúc đó họ còn 16 em và vẫn duy trì đến giờ. Trong 16 em đó đã có 5 em tự đi làm và ra ở riêng. Trong 11 em còn lại có 6 em đang học cao đẳng và nghề trong Sài gòn, còn lại 5 em đang ở nhà thì nhỏ nhất là 1 em học lớp 7. Nhà chủ cơ sở có buôn bán, một bên tạp hóa, một bên nhà hàng, các em hầu hết đều đã lớn, đã có thể lao động nên có thể phụ giúp được. Nghĩa là cơ sở tự có thể xoay sở tự chủ về tài chính.
Khi hiểu xong tình hình, mình thật sự không biết mua quà gì, thậm chí không biết có nên hỗ trợ cơ sở này hay không nữa. Điều làm mình lấn cấn là đã nhận nhiệm vụ thăm và tặng quà thêm 1 cơ sở mồ côi. Sau khi đắn đo suy nghĩ, mình quyết định hôm nay chỉ đến thăm, không tặng quà và về nói thật hết sự việc cho Hội thôi.
Tối thứ sáu, khi cả nhóm đang ngồi ăn cơm thì 1 bạn trong nhóm nhận được tin sét đánh: Ba bạn ấy mất, do té ngã và tai biến. Cả nhóm chết lặng luôn! Đó là bạn Ô Hoàng Thụy Thanh Thảo, một thành viên gắn bó với hội Nhân Ái từ khi rất sớm. Bạn Thảo này cách đây 4 năm cũng đi thăm cơ sở Trần Châu và có dẫn theo con gái, bé gái lúc đó mới học xong lớp 5, là tác giả bài viết rất cảm động mà hôm rồi cả nhà mình đã  xem trước chuyến đi này….Cả nhóm ngồi lưỡng lự giữa quyết đinh ở lại hay đi về…Cuối cùng cả nhóm ở lại để thực hiện chuyến đi của Nhân Ái còn bạn Thảo ra tàu để về đến nhà lúc 2h sáng……
Cơ sở Trần Châu: Thật ra giữa khoảng thời gian 4 năm sau khi Hội Nhân Ái đến thăm lần đầu, nhóm bạn mình vẫn thường ghé thăm khi có dịp ra Ninh Thuận. Hiện tại Trần Châu đang nuôi 76 người, trong đó có 20 người già lang thang nhưng không bị bệnh tâm thần, 5 em nhỏ và còn lại là người bệnh tâm thần. Đây là cơ sở nhân đạo tư nhân toàn bộ, nhà nước hoàn toàn không hỗ trợ gì. Ông Trần Châu, chủ cơ sơ có bộc bạch rằng: “Đã có lúc nghĩ rằng, nếu đói ăn 3 ngày liên tục là phải thả họ ra đường thôi, để may ra có ai thương tình cho họ miếng ăn…chứ giữ ở đây mà không cho họ ăn thì còn nhẫn tâm hơn….” Nghe thật thương tâm! Nhưng ông nói rằng, chắc nhờ Đức Mẹ , chưa bao giờ cơ sở bị đói đến ngày thứ 2, không người này cũng người khác, không nơi này cũng nơi nọ đến cứu viện!!!
Cả nhà mình xem hình nhé, cơ sở rất khang trang rộng rãi, cả 2-3 hetta và di chúc ông đã cho lại người nào đến thay ông nuôi dưỡng và duy trì trại tâm thần này…
Tiền 10tr của hội Nhân Ái là mua gạo và nhu yếu phẩm hết, ngoài ra các bạn tham gia chuyến đi còn đóng góp mua thịt quay, rau, bún phục vụ 1 bữa ăn thịnh soạn ngon lành cho toàn thể bệnh nhân trong cơ sở này. Mình không được tận mắt nhìn mọi người ăn ( vì ông Trần Châu không cho, ông bảo rằng khi được ăn ngon mà còn nhìn thấy người lạ, mặc quần áo lạ…thì thần kinh họ rất dễ bị kích thích), nhưng chắc chắn rằng họ rất vui và hạnh phúc vì theo lời người quản giáo nói thì “ ở đây ăn uống kham khổ lắm..”
Khi nhóm mình tham quan xung quanh cơ sở này, từng tràng cười man dại cứ liên tiếp liên tiếp...nghe rợn người ghê luôn!!! Thật sự đau lòng cho họ. Ở trại này người nào bệnh nặng còn bị nhốt lại nữa, chứ không họ trốn đi hoặc la hét đập phá đánh người…Mình đến đây chắc lần này phải là hơn 10 lần, nhưng cứ mỗi lần đến, mình lại thấy khâm phục và biết ơn ông Trần Châu, nhờ ông mà bao nhiêu người tâm thần thay vì lang thang trong mưa bão thì đã có nơi để trú ngụ. Dù ăn uống còn kham khổ thì cũng tốt hơn nhiều tình trạng lang thang ngoài đường….
Cám ơn ông Trần Châu!
Cám ơn Hội Nhân Ái!

Lê Minh Ngà ( BTC)







Nhật ký chuyến từ thiện tại Mái Ấm Thiện Duyên– Củ Chi,
 Chủ nhật  ngày 28/4/ 2019
             Tôi đến với Hội Nhân Ái là 1 cái “ Duyên”, mặc dù đã được tham gia qua nhiều chuyến thiện nguyện cùng Hội, ấy vậy mà chuyến đi lần này cứ văng vẳng bên tai tôi “ tiếng hét, tiếng khóc, la thất thanh vô cảm…”
           Đoàn chúng tôi đến mái ấm Thiện Duyên – Củ Chi được Má Mười tiếp đón nhiệt tình. Má giới thiệu cho chúng tôi sự ra đời của mái ấm, quá trình thành lập, hoạt động … đến nay  đã được 30 năm. Người đã dành gần trọn đời mình cưu mang hàng trăm mảnh đời đầy bất hạnh, trong đó có hơn 80 trẻ bị nhiễm chất độc màu da cam, phần lớn là bại não, tâm thần, mỗi em mỗi hoàn cảnh, mỗi  bệnh án khác nhau, vài chục trẻ mồ côi bình thường và một số người già neo đơn không nơi nương tựa. Má Mười  đã tuổi cao, sức yếu vậy mà ngày nào cũng lo lắng cho đàn con nhỏ, cùng với những người già neo đơn bệnh tật. Hàng ngày, Má phải suy nghĩ lo lắng cái ăn, cái mặc cho hơn trăm số phận kém may mắn.  Sự hy sinh, tấm lòng yêu thương vô bờ của Má khó có ai sánh bằng. Qua những tâm sự của Má, được chứng kiến Bà lão 82 tuổi nuôi những đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, xin được việc làm, dựng vợ gã chồng. Hiện có em hiện đã tự làm ra tiền, làm giáo viên, quay về phụ Má cưu mang các em nhỏ. Nghe xong thấy lòng ấm lại, có một tình yêu thương lan tỏa quanh đây. Cũng có người bệnh tật, già yếu rồi chết, Má lo hậu sự cho người mất…Những cảm xúc đong đầy, dâng trào khi gặp Má. Nuôi một người bình thường đã khó, chăm sóc người khuyết  tật lại khó hơn gấp bội lần. Đòi hỏi người chăm sóc phải có tâm, kiên trì, có tấm chân tình, lòng phải từ bi mới nhẫn nại, mới yêu thương, bởi lẽ các em không làm chủ được bản thân, không biết các hành động, sự việc của mình.
 Mảnh đất Củ Chi – “đất thép thành đồng” đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú của Tổ Quốc. Nơi có địa danh nổi tiếng là địa đạo Củ Chi, có một không hai trên thế giới. Cũng chính nơi mảnh đất đau thương này, khi chiến tranh qua đi đã để lại cho người dân nơi đây những đứa trẻ sinh ra đã sống đời thực vật! Chúng lớn lên ngây ngô, nói cười, la hét mà không tự chủ được ý thức của mình. Trong số này có những bé mà Cha Mẹ chúng- sau khi dành cả tuổi thanh xuân cho nền độc lập tự do của dân tộc - cũng đã ra đi. Chúng trở nên cô quạnh giữa đời. Và theo lời kể của Má Mười, cha mẹ chúng đã cưu mang nuôi dưỡng lúc Má tham gia Cách Mạng. Vì nghĩa tình sâu nặng ấy, ban đầu Má đã nhận nuôi vài đứa trẻ mồ côi. Sau đó số lượng trẻ tăng dần, tăng dần, có những em khác bị Ba Mẹ bỏ rơi khi còn đỏ hỏn. Để có mảnh đất rộng hơn, ngôi nhà khang trang hơn, nuôi nhiều trẻ hơn, Má đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn lấy tiền xây dựng, lo cho mái ấm.
    Cho dù đã chuẩn bị tâm lý khi nghe Má tâm sự, nhưng khi chúng tôi bước  vào không gian phía trong, tôi như chùn bước lại. Đứng nhìn các em mà đau nhói cả lòng. Trước mắt tôi là một bé gái, tay chân khẳng khiu, khuôn mặt xanh xao, ánh mắt vô hồn, lơ ngơ, đang quằn mình, vặn tay lòng thòng. Nhìn lên là hỡi ơi mỗi em mỗi số phận mỗi hoàn cảnh bất hạnh khác nhau, căn bệnh khác nhau nên sự biểu hiện của các em cũng đa dạng. Trên dãy giường có em thì nằm yên một chỗ, có em thì đứng, ngồi,  đủ các tư thế, với các hình hài dị tật bẩm sinh, chỉ biết chợt khóc, chợt cười đơn độc trong khung củi đau thương. Tôi lại giật thót cả người khi nghe tiếng hú thất thanh, tiếng khóc của em bi bại não, tâm thần nặng, được ngồi trong phòng kín, nhìn chiếc ổ khóa ngoài song cửa tôi lại bật khóc thương thay cho “ Một kiếp làm người”.
        Chúng tôi tiếp tục đi vào phòng nuôi người già, neo đơn, bệnh tật. Phòng có 4 Ông Bà già, nhìn chúng tôi bằng khuôn mặt buồn, cô đơn, tìm đến mái ấm Thiện Duyên nương tựa lúc xế chiều.
    Chúng tôi được hướng dẫn lên khu vực trẻ bình thường, khỏe mạnh, được Má Mười cho đi học, các em đang được một cô giáo dạy tâm lý tập huấn các kỹ năng sống, kỹ năng biểu lộ cảm xúc, giao tiếp…Chúng tôi tổ chức các trò chơi cùng các con. Ban đầu, tôi  có cảm giác các con vẫn còn sự rụt rè, nhút nhát, nhưng rồi các con cũng hiểu được tình cảm, sự gần gũi của chúng tôi nên đã cười đùa vui chơi. Nhìn các con cầm món quà được nhận qua trò chơi, thấy ánh mắt các con lộ vẻ niềm vui, hạnh phúc khi có người yêu thương, chia sẻ.
       Chia tay mái ấm, cũng là lúc trời vừa tạnh mưa. Cơn mưa đầu mùa buổi trưa hôm ấy thật lớn, thật lâu đã làm dịu mát bầu trời nắng gắt trước đó. Một bầu không khí bình an đã bao trùm lên Ngôi nhà tình thương ấy. Chiếc xe lăn bánh, các thành viên trong đoàn đều im lặng, có lẽ tôi và các anh chị trong đoàn đều suy nghĩ về Má, về những con người bất hạnh, vẫn còn chất chứa nhiều điều, nhiều nỗi niềm, cảm xúc bồi hồi.
        Cuộc sống còn nhiều lắm số phận kém may mắn, nhưng lòng tốt, sự tử tế vẫn còn và luôn hiện hữu như việc Má Mười đã và đang làm. Nơi đây rất cần sự chia sẻ, những tình yêu thương……
Xin cảm ơn tất cả và hẹn gặp lại.

PHAN THI MINH TRANG ( Hiệu phó trường Trí Đức, quận Tân Phú)
Trangtriduc1965@gmail.com



Chủ nhật ngày 27 tháng 1 năm 2019

Vợ tôi và tôi cùng đến điểm hẹn ở quận 7 từ sáng sớm, khoảng 6 h sáng. Vợ tôi đã đăng ký trước cho chúng tôi tham gia một chuyến đi từ thiện đến Mỹ Tho, Tiền Giang. Tôi thấy Hội chuẩn bị mang theo một số thực phẩm và quần áo cho khoảng 140 người mù hoặc mất một phần thị lực tại Mỹ Tho.
Chúng tôi gửi xe máy gần đó và gặp gỡ nhóm Hội Nhân Ái để ăn sáng trước khi lên đường. Chúng tôi tập trung tại một quán Phở gần đó để cùng điểm tâm. Chúng tôi cũng được tặng áo đồng phục của nhóm từ thiện.
Sau khi nạp xong năng lượng, cả nhóm khoảng 15 người đã cùng nhau chụp ảnh lưu niệm trước khi lên xe. Chiếc xe khởi hành khoảng 7.15 AM để đến Tiền Giang. Chuyến đi hôm nay là một chuyến đi ngắn khoảng 1 giờ 15 phút. Trên chuyến xe, mọi người cùng nhau chơi một số trò chơi. Tôi thấy ai cũng rất hào hứng. Mặc dù tất cả các cuộc hội thoại đều là tiếng Việt, ngay cả một người không nói được Tiếng Việt rành như tôi cũng có thể tận hưởng bầu không khí rất vui nhộn trong xe.
Chúng tôi đã đến điểm hẹn vào khoảng 8h30 sáng và công việc đầu tiên là cùng nhau khiêng đồ trên xe xuống. Chúng tôi cùng phân chia quần áo và quà tặng thành từng gói. Sau đó tập trung các vật phẩm riêng lẻ sắp xếp chúng thành 140 gói có chứa quần áo và thực phẩm. Những người nhận quà đều đã được ban tổ chức tặng vé trước để đảm bảo rằng các phần quà được trao đúng người. Vì đây cũng là dịp trước Tết, nên món quà truyền thống có bổ sung tiền may mắn.
Những người nhận quà được sắp xếp thành một hàng chờ đợi có trật tự. Từng phần quà và tiền may mắn đã được các thành viên của nhóm từ thiện trao tặng từng người. Một số người đã giúp họ trở về nhà. Mất khoảng 1 giờ để phát quà. Sau đó chúng tôi tập trung tại sân để chụp thêm một số hình ảnh của nhóm (và hái một vài quả xoài từ một cây mọc trong sân!).
Trước khi trở về Sài Gòn, chúng tôi dừng chân tại một ngôi chùa địa phương ấn tượng (Chùa Vĩnh Tràng) ở Mỹ Tho, để ngắm cảnh và chụp thêm một số hình ảnh khác! Chúng tôi trở lại Quận 7 vào khoảng 1 giờ chiều, cả nhóm cùng nhau ăn trưa trước khi chia tay.
Sau một buổi sáng cùng tham gia với Hội Nhân Ái, tôi thấy đây là một chuyến đi rất thú vị và thoải mái, được tổ chức tốt, tất cả những người nhận quà đều rất cảm kích. Tôi rất khuyến khích mọi người hãy tham gia vào tổ chức xứng đáng này! Tôi đang chờ đợi để sớm được tham gia nhóm một lần nữa!
Trân trọng.
Darren McDougall (Senior Graphic Production Manager)
4.02, Level 4, Tuoi Tre Tower 60A Hoang Van Thu, Ward 9, Phu Nhuan, Ho Chi Minh City
Sunday 27 January 2019
My wife and I arrived at the meeting place in District 7 bright and early @ 6am. My wife had previously arranged for us to join a charity trip to My Tho, Mekong, taking some basic food and clothing to approximately 140 blind or partially sighted people at a local clinic near My Tho.
After we had part the motorbike near by, we meet up with the rest of the NHAN AI group for some breakfast before setting off. We gathered at a local Pho café for the standard Vietnamese breakfast, and we were joined at our table by the group organizer, where we were given our charity group t-shirts and prepared ourselves for the day.
After breakfast, the whole group (@15 people) got together to take a team picture before loading up supply’s and boarding the bus. We set off around 7.15am en route to Mekong. Today’s trip was only a short ride away (around 1hr 15mins) and people were in good spirits on the journey, playing some quiz games and making introductions. (Although most of the conversations were in Vietnamese, even a non speaker like myself was able to enjoy the atmosphere!).
We arrived at our destination around 8.30am, and the first job of the day was to unload the bus. We separated out the clothing and food into organize piles and then began to take individual items and collect them into 140 ‘packs’ containing clothing and food parcels. The recipients had all previously been given tickets by the organisers to ensure that the parcels were received by the correct people. As this was also just before Tet, an additional traditional gift of ‘lucky money’ had also been arranged.
The recipients were arranged in to an orderly queue and the parcels and lucky money were handed out one at a time by the charity group members, who then also helped some of the grateful receivers back to their transport home! It took around 1 hour to give all the parcels and money away, after which we gathered in the garden of the clinic for some more team photo’s (and pick a couple of mango’s from a tree growing in the yard!).
Before heading back to Saigon, we stopped at an impressive local temple ( VINH TRANG) near My Tho, for a bit of sight seeing and some more photo’s! We arrived back in District 7 around 1pm, where the group stopped for some lunch before heading off our separate ways.
All in all, this was a very enjoyable and satisfying trip, which was well organized, but most of all it seemed to be very much appreciated by the recipients in My Tho, and I would highly recommend everybody to get involved with this worthy organization! I’m looking forward to joining the group again very soon!


Regards


Nhật ký chuyến từ thiện ngày Chủ nhật 09 tháng 12 năm 2018.

Tôi đã đợi chờ suốt 10 năm qua. Sự thật mà cứ tưởng mình còn đang nằm mơ nữa. Mọi người biết không, từ khi lớn lên em đã ấp ủ trong tim một mơ ước thầm kín. Em mong một ngày nào đó mình sẽ được tham gia đi từ thiện, được tận tay cầm những phần quà trao cho những người bị khuyết tật, người già neo đơn, trẻ mồ côi nhưng chưa một lần thực hiện. Em cứ nuôi hy vọng rồi một ngày nào đó mình sẽ nhất định làm được. Đến mãi hôm nay điều ước của em đã thành sự thật. Đó là đến khi em quen biết Chị Diễm Thúy - là ủy viên của Hội Nhân Ái. Vậy là nhờ vào sự giúp đỡ của Chị ấy và tất cả chị em trong Hội Nhân Ái đã giúp em thực hiện được điều đó.
Cái ngày đầu tiên em vào Hội Nhân Ái là thăm Hội Người mù ở Quận 4 và tiếp theo là đến với Mái ấm Thiên Thần ở Quận 9. Lần đầu được tiếp xúc gần gũi họ, em bỗng dưng lặng mình vì thấy họ quá đáng thương. Lúc ấy em thật sự muốn rơi nước mắt, nhưng em cố kiềm nén lại, và nhanh tay cùng với mọi người chia những phần quà tặng tận tay cho họ. Em biết những phần quà tưởng chừng rất nhỏ nhoi, nhưng đối với họ rất đáng quý. Từ trong thâm tâm em lúc này chỉ muốn chắp tay nguyện cầu cho họ có cuộc sống tốt hơn. Em mong sao sẽ có nhiều nhà hảo tâm nữa sẽ đến để giúp đỡ họ.
Rồi mới đây ngày 9/12 chúng em lại được tham gia cùng Hội Nhân Đức đã phát quà và khám chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho Hội Người mù ở Quận 8. Khi đoàn xe vừa đến nơi, em đã thấy nhiều người mù ngồi chờ nơi đó. Thật sự rất xót xa. Một lần nữa em lại đứng lặng nhìn xung quanh. Các cụ ông, cụ bà, có cả những em còn nhỏ. Người lớn người trẻ đều bị khiếm khuyết đôi mắt. Họ đang chờ được khám bệnh và chờ nhận những phần quà quý giá. Em nhìn thấy cô bé chừng tuổi 15, 16 mặc áo trắng đồng phục học sinh cũng ngồi chờ nhận quà với đôi mắt mù lòa. Em ấy còn quá trẻ, tương lai của em còn dài lắm, rồi mai đây cuộc đời của em sẽ ra sao nếu không có sự giúp sức của những người xung quanh. Thấy thương em quá em gái ơi!
Khi nắm lấy bàn tay họ để dìu vào chỗ bác sỹ khám bệnh, rồi phát thuốc, tặng quà, họ rất mừng và liên tục cảm ơn tụi em. Căn nhà của Hội Người mù quá chật chội mọi người phải ngồi từ trong nhà ra ngoài sân. Tụi em chia thành nhiều nhóm: nhóm lo sắp xếp các phần quà, lo xếp đồ cũ cho vào bao, nhóm lo hỗ trợ dìu người mù đến bàn bác sĩ khám bệnh, nhóm lo tặng quà, tặng bao lì xì, phát thuốc, nhóm lo sắp xếp chỗ ngồi. Hôm ấy có 2 chị của Hội Nhân Ái là Dược sĩ nên cũng đã phụ giúp được Hội Nhân Đức phân chia thuốc theo toa. Các tình nguyện viên chạy tới chạy lui mồ hôi ướt áo nhưng ai cũng làm việc nhiệt tình hăng say. Khi người cuối cùng được khám bệnh và phần quà cuối cùng được trao thì tất cả các thành viên mới tập trung lại để cùng chụp tấm hình kỷ niệm. Có một số người mới đi lần đầu, nên tụi em cũng chưa biết hết mặt nhau, nhưng không sao đi nhiều lần sẽ quen thôi mà.
Cũng trong ngày 9/12 đoàn xe Nhân Ái lại đến với người già neo đơn và trẻ mồ côi được nuôi dưỡng ở chùa Lâm Quang. Có rất nhiều cụ già, chắc có lẽ do hoàn cảnh nào đó đã đưa họ đến với ngôi chùa này. Cũng có những em bé còn rất nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi, lý do vì sao em cũng không biết nữa. Đã bao lần em thấy cổ họng mình nghèn nghẹn, sao cuộc sống của các cụ khổ vậy, suốt ngày chỉ quẩn quanh trên chiếc giường nhỏ với bao vật dụng cá nhân được đặt lên đó. Niềm vui của các cụ chỉ trông chờ vào những ngày cuối tuần có đoàn từ thiện tới thăm tặng quà. Em cầu mong sao trong số các cụ ở đây sẽ không có cụ nào bị con cái bỏ rơi …nhưng biết đâu…Có cụ còn khỏe mạnh, có cụ đã quá già yếu, mọi việc vệ sinh phải nhờ người chăm sóc tắm rửa. Đến với những người này, mình cũng phải nghĩ đến các sư cô – là những người đã cưu mang họ, lo cái ăn lo chỗ ở cho hơn 100 người già, bệnh tật, nuôi hàng chục em nhỏ. Bên cạnh việc tu hành, các sư cô đã làm đẹp cho đời bằng những hành động thật đáng ngưỡng mộ. Hội mình cũng đã trích tiền để giúp chùa có thêm kinh phí, giúp các sư cô có thêm nguồn động lực để tiếp tục cống hiến.
Khi mọi việc tặng quà kết thúc, Hội Nhân Ái đã tổ chức buổi ăn trưa rất vui vẻ và đầm ấm như trong một gia đình. Em thật sự rất cảm ơn Hội Nhân Ái đã giúp em có cơ hội được giúp đỡ những người tật nguyền, bất hạnh trên cuộc đời này. Một mơ ước sâu kín được giữ trong lòng em bao nhiêu năm tháng, tưởng chừng không bao giờ  thành hiện thực. Sau mỗi một chuyến đi, dù đã qua rồi, nhưng vẫn còn âm vang mãi trong lòng em, những hình bóng cùng lời thỏ thẻ của các bé, những tiếng cảm ơn của các cụ cứ luôn hiện diện trong tâm trí em.
Giờ đây em chỉ mong rằng Hội Nhân Ái sẽ càng ngày càng lớn mạnh, để giúp đỡ mọi người thật nhiều. Em mong rằng các anh chị em trong hội sẽ luôn sát cánh bên nhau, nắm thật chặt tay để chúng ta cùng đi khắp nơi giúp đỡ mọi người. Qua những chuyến đi này, em thấy tình người rất thiêng liêng và cao quý. Em tin tưởng rằng Hội Nhân Ái sẽ luôn mạnh mẽ.
Mọi người chúng ta khi có miếng cơm ngon, có quần áo đẹp sẽ  cùng nhau chia sẻ với những người khó khăn, đau khổ bằng tất cả tình thương yêu cao cả. Thật sự với em, khi được giúp đỡ mọi người em thấy rất vui. Dù cho những sóng gió đời thường vẫn không thể quật ngã được ý chí ấy. Hôm nay em ngồi đây viết lên những dòng cảm nghĩ này, mặc dù đã cố gắng để viết tiếp nhưng em đã không ngăn được dòng nước mắt.
Em tự hứa với lòng sẽ chung sức cùng với Hội Nhân Ái đến khi nào em không còn có thể nữa. Em rất cảm ơn các anh chị Ban tổ chức đã giúp em có cơ hội này. Cuối những dòng cảm nghĩ này, em xin chân thành cảm ơn và xin chúc các anh chị trong Hội luôn vui khoẻ và gặp nhiều may mắn mỗi ngày.
Em cũng còn nhiều suy nghĩ nữa muốn viết lên nhưng thời gian của em không có, em phải đi nghỉ sớm để khuya 3 giờ em thức trang điểm cho khách. Ban ngày thì em bận suốt, khách hẹn đến làm tóc liên tục em không có thời gian. Dạo này gần Tết rồi khách nhiều nên em hẹn lần sau. Các anh chị thông cảm cho em nhé. Đến đợt sau có nhiều thời gian hơn em sẽ viết tiếp cảm xúc của mình. Em nghĩ sao thì viết như vậy thôi hà.
Em cảm ơn chị Đàm nhiều và cho em gửi lời cảm ơn đến mọi người nhe chị


Lâm Thùy - tiệm tóc Thùy Lâm- Phú Thuận, quận 7.



Nhật ký chuyến từ thiện ngày Chủ nhật 21.10.2018
Vân Anh cũng đã được may mắn tham gia từ thiện với Hội Nhân Ái vài lần trước đây, nhưng chủ yếu đi trong thành phố. Hôm nay, được tham gia đi xa, được ngủ đêm tại một vùng đất gần biên giới, cùng với những người lần đầu gặp mặt, một chút cảm giác lo lắng trong tâm hồn mình, nhưng trên tất cả là sự  mong chờ. Vùng đất mà mình sẽ đến là xã Tân Phú nghèo khó, nổi tiếng nắng cháy da người thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, giáp ranh với  đất nước Campuchia có đường biên giới trên đất liền dài hơn 20 km.
Nơi đây hầu hết là những người di chuyển đến làm kinh tế mới thời mới giải phóng theo lời kêu gọi của chính quyền. Đất đai cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt cùng với sự lao động cực nhọc khiến sức khỏe của bà con suy giảm nhanh khi bước qua tuổi trung niên và cao tuổi. Những căn bệnh thường gặp là loãng xương nặng, vẹo cột sống, cùng với những bệnh mạn tính về hệ tim mạch, hệ hô hấp…Hội Nhân Đức đã tổ chức chuyến thiện nguyện phục vụ bà con. Chuyến thiện nguyện này sẽ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, siêu âm bụng tổng quát, đo điện tâm đồ, đo đường huyết, tư vấn sức khỏe các bệnh thường gặp, hướng dẫn lối sống đúng, tư thế lao động đúng, cách dùng thuốc đúng cho bà con. Hội Nhân Ái đã ủng hộ một phần kinh phí cho chuyến đi cùng với một số áo quần, vải vóc tặng bà con. Vân Anh sẽ cùng với anh Ninh và chị Trang của Hội Nhân Ái tham gia phụ giúp cho Hội Nhân Đức.
Đoàn từ thiện đến đây vào lúc 11h00 tối ngày hôm trước, ai nấy đều nhanh chóng di chuyển vào trong nhà trọ để nhận phòng, cùng tập trung sinh hoạt cho phương hướng làm việc ngày mai, rồi nhanh chóng về nghỉ ngơi lấy sức. Nhà trọ nằm giữa rừng cây, chung quanh chìm trong bóng đêm im lặng khác hẳn không khí về đêm của Sài Gòn. Những tưởng mọi người sẽ được một đêm ngon giấc do đi đường mệt, không khí mát mẻ sẽ dễ ngủ, nhưng lạ thay ai cũng trằn trọc mãi đến khuya mới chợp mắt được, có lẽ do không gian nơi này hình như quá lạ lẫm với người Sài Gòn.
          Sáng sớm ngày 21/10, khi chưa tới giờ khám tất cả tình nguyện viên đều đã có mặt tại trạm y tế xã. Tại đây chúng tôi được tiếp xúc với các cụ già, các cô, các chú, các bé nhỏ còn đến sớm hơn chúng tôi và tập trung rất đông trong một buổi sáng yên bình của cái xã nhỏ. Chỉ trong chốc lát những dụng cụ y tế, thuốc men và quà tặng đã được đặt vào đúng chỗ trong trạm xá. Bàn ghế được sắp xếp theo quy trình làm việc: bàn đầu tiên tiếp nhận bà con theo giấy mời, bàn này do thành viên xã phụ trách, bàn tiếp theo có 2 bác sĩ phụ trách đo huyết áp, 4 bàn tiếp theo mỗi bàn 2 bác sĩ khám bệnh tổng quát, có phòng siêu âm, bàn kế cuối do bác sĩ Phong phụ trách kiểm tra lại toa thuốc, bàn cuối đọc tên phát thuốc và quà do chị Trang phụ trách. Vân Anh và một số tình nguyện viên khác được phân công hướng dẫn bà con đi đúng quy trình khám từ khâu đầu tiên cho tới khâu cuối cùng. Từ 7giờ 30 là công việc bắt đầu hoạt động, cứ như vậy dưới sức ép đông đúc của bà con chờ đợi nối tiếp nhau, chúng tôi cùng các bác sĩ làm việc không ngơi nghỉ đến 13 giờ thì kết thúc. Trong thời gian sắp xếp chờ đợi tới lượt khám tranh thủ trao đổi với bà con mới được biết ai cũng mong muốn được các y bác sĩ khám bệnh mà bấy lâu họ đều không dám đi khám, chỉ vì cơm áo gạo tiền. Chúng tôi vừa hỏi thăm về tình trạng sức khỏe vừa tìm hiểu về nghề của họ và được nghe kể những câu chuyện cười ra nước mắt khi đi làm nương làm rẫy của họ, nhiều lúc bị đau nhẹ thì cũng cố gắng đi làm còn nặng thì mua gói thuốc từ nhà thuốc hay tới trạm xá khám cho qua loa vì chi phí khám chữa bệnh bằng  3 bữa cơm của gia đình họ. Còn quà thì với bà con vùng xa này quà gì người ta cũng quý vô cùng, nhất là vải ai cũng bảo về may quần để mặc tết. Thế mới biết cái nghèo cái bệnh luôn là nỗi ám ảnh của chính những người dân nghèo chất phác, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Kế hoạch ban đầu chỉ phục vụ 200 bà con, sau đó điều chỉnh lên 250 và cuối cùng phát sinh thành 300 bởi bà con khó khăn xin thêm nhiều quá, may mà bác sĩ Phong thường dự trù dư thuốc và Anh Ninh mang dư áo quần thun để phát nên đã phục vụ trọn vẹn.
Kết thúc buổi khám bệnh, đoàn được chùa kế bên nhiệt tình mời dùng cơm trưa chay. Đoàn cũng để lại cúng chùa 20 phần thuốc và quà. Chương trình từ thiện đã thành công viên mãn. Hội Nhân Đức cùng Hội Nhân Ái hôm nay đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của chuyến đi. Đến 14 giờ 30 đoàn lên xe về Sài Gòn, ngồi trên xe vừa chật vừa nóng không được thoải mái, nhưng xe vừa lăn bánh một lúc nhìn xung quanh đã thấy mọi người ngủ được rồi. Có lẽ mát trong tâm dễ chịu hơn!
Trở về sau một chuyến đi thực tế, chúng tôi - những  người tình nguyện viên, ai cũng mệt mỏi nhưng trong mỗi con người đầy nhiệt huyết ấy đều mang một cảm xúc vui sướng lâng lâng khó tả, nhớ mãi những vòng tay luyến lưu sau một chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa. Mình nhớ từng khuôn mặt, ánh mắt của bà con khi nhận thuốc, khi nhận quà đều nói lời cảm ơn. Hôm nay, qua trang nhật ký này Vân Anh xin chuyển lời cảm ơn ấy đến quý mạnh thường quân đã phát tâm ủng hộ cho chương trình hôm nay. Vân Anh cũng xin gửi lời cảm ơn của mình đến tất cả những người đã nghĩ ra và tổ chức một chuyến đi đến với đồng bào nghèo khó như thế, để tất cả mọi người CHUNG MỘT TẤM LÒNG xích lại gần nhau hơn.

Xin được cộng thêm một ngày Chủ nhật có ý nghĩa trong cuộc đời của mình!


Trần Vân Anh ( Công ty CP Truyền Thông Song Hành ). 
                             




 Nhật ký chuyến từ thiện ngày Chủ nhật 22 tháng 7 năm 2018.

          Kỷ niệm khó quên!
Đã lâu lắm rồi hôm nay tôi mới tham gia lại chương trình thiện nguyện của Hội Nhân Ái, vì mỗi lần Hội tổ chức là tôi có chuyện bận đột xuất nên đã bỏ lỡ vài chuyến đi. Nhiều lần tôi cảm thấy nuối tiếc, mà nghĩ lại chắc do mình không đủ DUYÊN.
          Khi biết được trong tháng 7 này có chuyến từ thiện về Long An, được đến 2 ngôi Chùa nuôi dạy trẻ mồ côi, tôi háo hức mong đợi từng ngày, từng ngày để được đi. Nghĩ cũng buồn cười thật, tự nhiên mình giống như đứa trẻ mong chờ đến Tết vậy. Thế rồi ngày mong đợi của tôi cũng đã đến. Trời còn mờ sáng, tôi và Kiều Tưởng đã rủ nhau xuất phát từ nhà đến điểm hẹn là Công ty Nidec Copal. Khi tới nơi đã thấy bạn Dũ có mặt rồi và lần lượt những thành viên trong nhóm đã đến đầy đủ, có chị Huệ Tư, Trân, Quyên, Thảo, Bảo, Tuấn, Linh, Thúy, Phương, Vân và em Diễm Thúy thân thương nữa chứ. Kỳ này các bạn đăng ký nhiều nên 1 chiếc xe không đủ chỗ, em Thúy phải điều 2 xe. Chúng tôi chia nhau lên xe để đến điểm quen thuộc thứ hai là nhà chị Đàm đón thêm vợ chồng chú Ninh và bạn Thùy Trang.
Điểm từ thiện đầu tiên là Chùa Giác Nguyên tọa lạc tại 160 - Nguyễn An Ninh - Khu phố 3 - Cần Giuộc - Long An. Chùa có thâm niên trên 100 năm (ngôi Chùa được xây dựng từ năm 1909) đang được thầy trụ trì Thích Huệ Phát phát tâm trùng tu lại để có chỗ cho quý Phật Tử lễ Phật và cho các chú tiểu ở đây ăn ở tu tập. Khuôn viẻn chùa rộng rãi, thoáng mát rất thanh tịnh, tại đây có 19 bé hầu hết đều mồ côi trong đó có 7 chú tiểu và 12 bé khác. Chúng tôi ngồi nghe Thầy kể về hoàn cảnh của từng bé mà lòng không khỏi xúc động. Có những bé được Thầy cưu mang khi mới 3 ngày tuổi, có bé tự kỷ từ nhỏ chỉ thích chơi 1 mình rồi từ từ Thầy tập cho tham gia chơi chung với mấy bé xung quanh, đến nay bé cũng dần quen nhưng vẫn nhút nhát với người lạ, có bé vẫn còn mẹ nhưng tâm thần mẹ không được bình thường, lúc tỉnh lúc mê, không nhận thức được và bé được tạo ra bởi người cha không có tình người, có bé thì mẹ bị bệnh phải chích đều đặn ngày 2 ống thuốc kể từ ngày sinh bé ra cho đến nay ko bỏ mũi nào, nếu không chích sẽ bị tê cứng người và xương mục đi. Bị bệnh như vậy nhưng mẹ cũng phải đi làm nuôi ông bà đã già yếu cùng 2 đứa con nhỏ nữa. Từ khi gửi đứa con thứ 3 này vào chùa đến nay mẹ không thăm được bữa nào. Khi nào có việc đi ngang qua hướng nhà của mẹ bé, Thầy chở bé theo cho ghé thăm mẹ. Mặc dù chưa được cho biết đó là mẹ mình nhưng bé vẫn ôm và khóc nức nở, có lẽ đây là tình mẫu tử đã giúp bé cảm nhận được chăng? Ôi nghe sao mà xót xa quá, ở đời còn quá nhiều mảnh đời bất hạnh. Còn có bé đã 10 tuổi mà mới học lớp 1 thôi do ba mẹ mất ở với ông bà nội, rồi ông bà ngoại bắt về dẫn đi  bán vé số, rồi ông bà nội xót cháu lại bắt về, cứ thế thời thơ ấu của bé là những ngày hết ở với nội lại ở với ngoại, hàng xóm thương tình khuyên nên gửi vào Chùa. Đó là cơ duyên bé đến với chùa, Thầy đã cho đi học biết chữ với bạn. Có bé ba mẹ ly dị nên mẹ dẫn con cùng đi tu. Do là bé trai nên không theo mẹ tu chung 1 chùa được nên mẹ phải gửi con vào chùa Tăng. Mẹ muốn thoát khỏi cảnh thế gian trần tục nhưng cũng không thể bỏ rơi con mình. Có thể đây là giải pháp tốt nhất cho mẹ và con. Sau này lớn lên, tự quyết định được cuộc đời, bé có quyền chọn lựa cuộc sống cho riêng mình mà cũng không oán hận gì ba mẹ, vì dù sao bé cũng được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt đẹp. Có quá nhiều hoàn cảnh không kể hết, quá nhiều cảm xúc đang dâng trào.
Trong khi Thầy kể chuyện từng bé thì thỉnh thoảng các bé chạy lại sà vào lòng Thầy để được Thầy vuốt ve nựng nịu đầy trìu mến. Chúng chỉ mới 2, 3 tuổi, khuôn mặt non nớt ngây thơ, chúng chỉ biết đó là người Cha thân yêu của mình.
Chùa tự túc kinh phí bằng cách bán rau và trái cây tự trồng trong vườn. Chúng tôi đã ủng hộ Chùa mua rau sạch và cầu chúc cho nguồn kinh phí này cùng với sự ủng hộ của các Phật tử địa phương giúp các bé ấm lòng.
Hôm ấy, được sự giúp đỡ đột xuất của 1 mạnh thường quân quen biết với nhà anh Ninh, tất cả các bé đều được tặng 1 đôi dép mới vừa vặn chân từng em. Có em ôm mãi đôi dép mới vào lòng, có em tung lên vui sướng, nét hân hoan vui mừng đọng lại trên nét mặt của từng em đã lan tỏa niềm vui sang mỗi chúng tôi.
Tạm biệt mấy em bé nho nhỏ xinh xinh, Hội đến điểm tiếp theo tại chùa Pháp Tánh tọa lạc tại quốc lộ 50 - Ấp Kim Điền- Xã Tân Kim. Chúng tôi được Sư Cô trụ trì dẫn vào nơi nuôi dưỡng những bé sơ sinh chỉ vài tháng tuổi, nhìn những gương mặt đang nằm ngủ đáng yêu làm sao, ai đã làm cha mẹ rồi mới cảm nhận được tình yêu cha mẹ dành cho con là vô bờ bến, vậy mà tôi không hiểu sao có nhiều bậc cha mẹ lại nhẫn tâm vứt bỏ đi núm ruột của mình vậy chứ? Phải chăng họ có nỗi khổ riêng, để rồi phó mặt cho dòng đời xô đẩy? Họ không nghĩ đến tương lai của những đứa con họ tạo ra sẽ như thế nào nếu chúng không gặp được Quý Thầy, Quý Sư Cô nuôi dưỡng dạy bảo, mà sẽ gặp đâu đó những người xấu và phát triển theo con đường xấu. Họ nhẹ nhàng đặt con trước cổng chùa, giao phó tất cả sự sống của con mình nương nhờ cửa Phật, rồi nhẹ nhàng ra đi mãi mãi không quay trở lại.  Thử hỏi lòng họ có thanh thản sống tiếp chuỗi ngày còn lại???
Cảm xúc bên chùa Giác Nguyên vẫn chưa nguôi thì qua đây tôi lại ngỡ ngàng vì có quá nhiều bé nhỏ sơ sinh như vậy. Có khoảng gần 10 bé chừng vài tháng tuổi hiện đang nuôi tại Chùa. Nhìn các bé nằm ngủ say sưa êm ấm như được chính bàn tay của mẹ chăm sóc vậy. Những em bé này có em còn cảm nhận được hơi ấm của cha mẹ đến 1 hoặc 2 tháng mới vứt bỏ, nhưng cũng có những bé bị vứt bỏ khi trên mình vẫn chưa được cắt dây rốn, lại có bé được người dân phát hiện đem vô chùa...Những thiên thần bé nhỏ đã đến với chùa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng chúng đều có một điểm chung là cho đến lớn lên và có khi đến suốt cuộc đời chúng không thể biết mẹ mình là ai!
Cứ mãi mê ngắm những thiên thần nhỏ mà không hay xung quanh mấy chị đã được Sư Cô dẫn qua bên khu vực nuôi những bé lớn hơn, tôi vội vàng chạy theo. Vào đó nhìn thấy mấy bé vui đùa hồn nhiên thấy thương quá, ban đầu mấy bé nhút nhát dần làm quen nói chuyện, cười giỡn làm chúng tôi quên cả giờ giấc luôn. Đã khá trưa chúng tôi phải tạm biệt mấy bé để không bỏ giấc ngủ trưa của các bé. Chúng tôi được Sư Cô đãi món bún riêu chay quá ngon, ăn xong ngồi nghỉ chút xíu rồi chúng tôi về lại thành phố.
             Cuộc đời phía trước còn dài lắm, không biết rồi cuộc đời của mấy bé sẽ như thế nào nữa, nhưng tôi thầm cầu mong mọi điều an lành đến với các em và nhờ sự nuôi dưỡng dạy dỗ tận tình của quý Thầy, Quý Sư Cô mà sau này các em sẽ trở thành những người có ích cho xã hội. Tôi cũng không quên gửi lời cảm ơn đến những anh chị em trong Hội Nhân Ái đã cùng chung tay góp sức và nhờ đó tôi mới có được chuyến đi ngày hôm nay.
Cuối tháng này tôi nghỉ việc ở Công ty thân thương để về quê ở Tây Ninh sinh sống, tôi sẽ xa các bạn yêu dấu đã cùng tôi trong những chuyến thiện nguyện cuối tuần, tôi sẽ khó có cơ hội được mặc lại chiếc áo của Hội … Ngồi trên chiếc xe trở về thành phố, các bạn xung quanh tôi đã thấm mệt, ai cũng tranh thủ chợp mắt. Riêng tôi có một nỗi buồn xen lẫn tiếc nuối. Tôi buồn vì không biết đây có phải là lần cuối cùng của tôi tham gia với Hội Nhân Ái không nữa. Tôi tiếc nuối vì thời gian qua tôi đã vắng mặt trong nhiều chuyến đi. Mặc dù có về quê, tôi vẫn sẽ luôn theo dõi những hoạt động của Hội và luôn lưu giữ những kỷ niệm đẹp đã từng có với Hội Nhân Ái. Tôi sẽ không quên được Chị Đàm - trưởng Hội, không quên Anh Ninh - biệt danh nhiếp ảnh gia của hội, không quên em Thúy - trưởng nhóm và Kiều Tưởng - người bạn luôn đăng ký những chuyến đi cho tôi, còn nhiều và nhiều nữa những bạn bè đã cùng tôi trong những chuyến đi.
Nhớ lắm nhớ lắm, tận sâu trong tâm trí tôi không thể nào quên …
Cuối cùng tôi cầu chúc cho Hội Nhân Ái ngày càng phát triển để đâu đó có những mảnh đời bất hạnh được giúp đỡ, được an ủi phần nào trong cuộc sống.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". 

Tạ Thị Thu Quyên – Công ty Nidec Copal.                                               



  Nhật ký chuyến từ thiện ngày Chủ nhật 15 tháng 4 năm 2018.
Khi được sinh ra và sống trong cõi nhân gian này, ai cũng muốn sở hữu một cơ thể lành lặn và khỏe mạnh, không ai muốn bản thân mình có khiếm khuyết, bệnh tật, ốm đau... Nhưng vẫn còn đâu đây rất nhiều người bất hạnh, họ không thể nhìn thấy thế giới xung quanh. Vì vậy, việc tự nuôi sống  mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Hôm nay, em xin kể lại cuộc hành trình thiện nguyện của Hội Nhân Ái ngày 15/4/2018, đã tạo thêm nghị lực và niềm vui cho những người sống trong bóng tối. 
Em là nhân viên của Công ty Nidec Copal đã vài lần tham gia từ thiện.
Nhóm chúng em ai cũng tranh thủ đến công ty từ sớm, để cùng phụ nhau vận chuyển đồ lên xe. Chiếc xe chạy đến nhà chị Đàm, chúng em tiếp tục vận chuyển đồ lên xe. Tất cả những bao quần áo cũ bây giờ đã được nằm gọn toàn bộ trong khoang phía sau. Mấy hôm nay Sài Gòn rất nóng, mới sáng sớm đã thấy nắng lên. Chúng em khởi hành đến điểm đầu tiên là Hội người mù quận Phú Nhuận đã hơn 7 giờ. Bên trong khu vực khuôn viên khá rộng và vắng vẻ. Cả nhóm tranh thủ phân chia đồ cũ cho vào các bao nhỏ và  cùng nhau sắp xếp các phần quà ngay hàng thẳng lối. Tranh thủ lúc Hội người mù chưa đến đủ, chị Đàm đã tập hợp các em lại giới thiệu từng người, vì có các bạn mới. Cả Hội cùng chơi trò chơi để mọi người thân mật hơn. Thật là vui. Sau những giây phút hồn nhiên bên nhau, ai cũng cảm thấy thêm thân thiện. Giờ thì mọi người cũng đã đến đông đủ. Chúng em phân công nhau: 2 bạn xinh gái tặng phong bao lì xì, 1 anh đẹp trai có giọng nói khá to rõ được giao đọc tên, các bạn khác đem quà đến từng người…Em nhận phần việc tặng quà, thấy được niềm vui và hạnh phúc của mỗi người ….
 Chia tay nơi này, chúng em tiếp tục hành trình đến điểm thứ hai đó là Hội người mù quận Gò Vấp, cũng đã gần 9 giờ. Trời càng nắng nóng. Ở đây em thấy tất cả mọi người đã đến đông đủ, chị thư ký đang đọc tên điểm danh phát phiếu. Cả nhóm ai cũng bận rộn, cùng phụ khiêng những bao đồ vào sân.  Mọi người phải tranh thủ thật nhanh xếp đồ vào bao. Phần quà của điểm đến thứ hai cũng như điểm thứ nhất, gồm thùng mì tôm, gói bột nêm, phong bao lì xì 100.000đ và 1 bọc quần áo cũ.  Trong lúc nhóm đang tất bật thì có chị Ái Tiên ở Tiền Giang mới đến. Vì ở xa nên chị ấy đến hơi muộn. Chị ấy là môt trong số ít thành viên đã tham gia Hội Nhân Ái từ năm đầu thành lập, được chị Đàm tặng chiếc áo xanh mặc từ ở nhà. Một mình chạy xe từ Tiền Giang đến đây, thiệt là nể phục ghê! Chị hòa nhập rất nhanh vào công việc, giúp người mù nhận quà và giúp họ mang phần quà của mình  ra về. Khoảng chừng 1 tiếng thì buổi tặng quà cũng  xong, em thấy trên khuôn mặt  ai cũng mệt, mồ hôi ướt hết cả áo nhưng ai cũng tươi cười trong vui sướng vì đã mang lại niềm vui cho người khác cũng như đem lại niềm vui cho chính mình vậy.
Ở điểm này Hội Nhân Ái đón thêm một nhóm thành viên mới đến, có những bạn mới tham gia chuyến đi lần đầu. Chúng em nghỉ mệt một chút và cùng giao lưu với những bạn mới.
Cũng đến lúc phải chia tay  ra về, hôm nay em cũng như các bạn đều thấy rất vui và thoải mái với 1 buổi sáng thật nhiều ý nghĩa. Cả nhóm hẹn lần sau tiếp tục gặp nhau để quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn những người có hoàn cảnh khó khăn, để cho những số phận ấy có thêm niềm vui trong cuộc đời vốn nhiều đau buồn. 
Em xin cảm ơn Hội Nhân Ái đã tạo cho em cơ hội tham gia, để em biết thêm được thế giới bên ngoài nhiều hơn cũng như biết sẻ chia nhiều hơn nữa. 
Cuối cùng em xin chúc sức khỏe tất cả các anh chị và chúc cho Hội Nhân Ái ngày càng phát triển.

Lê Thị Quyên (Công ty Nidec Copal)
                           


  Nhật ký chuyến từ thiện Chủ nhật ngày 4 tháng 3 năm 2018.

Tôi không phải là nhà văn để viết lên bao câu chuyện hay và cảm động dành cho những cụ già khuyết tật, những đứa bé mồ côi. Tôi càng không phải là nhà thơ để cho ra đời những vần thơ làm lay động lòng người về những mảnh đời bất hạnh. Hôm nay tôi chỉ muốn viết lên cảm xúc của chính mình bằng những dòng tâm sự mộc mạc, chân tình để ghi lại kỷ niệm đáng nhớ cho riêng mình và cũng để dành tặng các bạn mà tôi yêu quý.
Đây là lần đầu tiên, cũng có thể là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc sống của tôi, khi được tham gia nhóm Hội Nhân Ái.Trước chuyến đi  tôi đã không khỏi suy nghĩ về những niềm vui, hạnh phúc được tham gia nhóm tình nguyện, niềm vui được thấy những đứa bé nhận quà. Chỉ nghĩ bây nhiêu thôi cũng hạnh phúc  lắm rồi
 …
6 giờ 30 ngày 4/3 xe  bắt đầu  lăn bánh từ Công ty Nidec Copal . Điều đầu tiên tôi thấy là ai cũng đều đến sớm và đúng theo giờ hẹn của chị Thúy.  Đến nhà  chị Đàm để thay đồng phục và vận chuyển quà  lên xe.
7giờ xe tiếp tục chuyến hành trình. Điểm đến đầu tiên là tới thăm và phát quà cho Hội người mù quận 4, TP HCM . Xe chúng tôi đến đã thấy một số cụ già đã ngồi chờ sẵn. Trong thời gian chờ các hội viên người mù tới đông đủ, chúng tôi cùng nhau sắp xếp các phần quà vào bao. Công việc ấy đối với chúng tôi thật dễ dàng chẳng mất nhiều công sức, do tất cả chúng tôi đều tràn đầy sức trẻ. Chỉ mất chút thời gian mọi việc xong xuôi. Khi cô thư ký của Hội người mù đọc tên từng người, chúng tôi mang quà đến tận chỗ ngồi của các cụ ấy. Mỗi người được 1 thùng mì tôm, 1 gói đường và 1 phong bao lì xì 100.000đ.  Ai ra về khuôn mặt cũng đều vui vẻ làm cho chúng tôi cũng được hạnh phúc lây.
Tâm trạng thật phấn khởi các bạn ạ!
Xe lại tiếp tục lên đường, lúc này có tăng thêm 2 bạn mới đến nữa. Chiếc xe 16 chỗ chở 17 người, làm cho không khí trên xe càng thêm đầm ấm. Nhất là mỗi chúng em đều được Anh Ninh trong Ban tổ chức tặng 1 trái dưa lê có vẽ tặng kèm 1 chữ thư pháp. Anh tặng mỗi bạn 1 chữ đầu năm mới với lời chúc hạnh phúc, an lành, tài lộc, …Ai nấy đều trân trọng “cái chữ” mà mình đã nhận được. Hy vọng là trong năm nay chúng tôi đều đạt được điều mong muốn  như lời chúc của Anh. Cảm ơn Anh Ninh, người đã truyền cho chúng tôi sợi dây thân tình xuyên suốt cả xe. Trên xe, chúng tôi tiếp tục làm quen với nhau, cười đùa tếu táo cùng nhau. Vì vậy, chẳng mấy chốc xe đã đi đến nơi
Mái ấm Thiên Thần nằm trong 1 khuôn viên cũng khá rộng.
Chúng tôi cùng nhau mang các thùng quà xuống và sắp xếp lại. Sau đó, cả nhóm tham gia  trò chơi, giao lưu với những người bạn mới trong khi chờ đợi các bạn đến sau, để được vào trong chơi với các bé. Bây giờ còn đọng lại trong tôi là một cảm giác thật thoải mái, vui tươi khi cùng nắm tay nhau, cùng ca hát, cùng vui chơi với nhau cùng với những người xa lạ. Kỷ niệm này thật khó quên.
Lòng đầy cảm xúc khi bước vào trong căn phòng nuôi dưỡng  biết bao nhiêu đứa trẻ bất hạnh. Các con nắm chặt tay quấn quýt bên cạnh anh chị của nhóm, không muốn xa rời. Thời gian không đủ nhiều để cho chúng ta làm những điều tốt đẹp hơn đến với các con nhưng như vậy đã cảm thấy hạnh phúc biết nhường nào.
Tạm biệt  các bé nhé. Hẹn gặp lại vào ngày  nào đó  gần nhất. 
Cảm ơn anh chị và những nhà tài trợ của Hội Nhân Ái đã cho em
1 ngày  vui có, buồn có  và đầy ý nghĩa lớn lao. Hội đã cho em biết thêm bao điều, học hỏi về cuộc sống này.

Nguyễn Thị Oanh ( Công ty Nidec Copal)                                 



Nhật ký chuyến từ thiện Chủ nhật ngày 4 tháng 3 năm 2018.

Chuyến đi của năm mới.

Em đã chọn chuyến đi cùng với Hội Nhân Ái để khởi đầu một năm em tròn 30 tuổi.        Đến một nơi mới cùng với những con người mới, cảm thấy như đã rất thân quen từ lâu lắm rồi.  Phải chăng khi cùng nhìn về một hướng, cùng mở rộng lòng mình ra với thế giới xung quanh, mọi người sẽ có cảm giác rất rất gần gũi, thân thiện, không còn đâu đó cảm giác lạ lẫm, e dè. Trời  nắng gắt, lần đầu tiên tự đi xe máy từ Gò Vấp xuống khu quận 9, lạc đường vài vòng, loay hoay mãi cuối cùng cũng tìm được đến Trung tâm bảo trợ trẻ em  Thiên Thần quận 9.
Trước khi đến mình đã được nhóm nhắn tin là có cái cổng với nhiều màu sắc cầu vồng. Mái ấm đây rồi! Vừa thấy cái cổng là thấy  ngay chị gái của nhóm ra đón. Dù chưa biết chị  tên gì, nhưng ngay những phút gặp mặt đầu tiên ấy, sự nhiệt tình cùng với nụ cười  và sự tự nhiên ở chị làm mình cảm giác như đã tham gia nhóm từ lâu lắm rùi. Có lẽ vì đi lạc đường nên mình là người đến trễ nhất. Vào trong sân, mình thấy các anh chị  đã sắp xếp các món quà ra gọn gàng, ngăn nắp. Các bạn mặc áo xanh đã đứng thành vòng tròn và cùng cười vui với những trò chơi tập thể. Mình cũng được đưa 1 cái áo xanh và chỉ vài phút sau, mình đã hòa nhập vào vòng tròn ấy.  Theo lời chị ấy nói là trong số này không ai có thể biết hết tất cả mọi người, kể cả chị. Vì vậy, việc đầu tiên là chúng ta sẽ cùng giới thiệu tên, tuổi, cùng chơi với nhau để gắn kết mọi người xích lại gần nhau, hiểu nhau và yêu thương nhau hơn. Trong vai trò là người dẫn chương trình,  sự  năng động của chị đã lan toả cho mọi người. Qua những trò chơi, những câu đố mọi người trong Hội đã là một gia đình vui vẻ. Mỗi người đều nhớ ít nhất là vài cái tên bạn mình. Em nhìn cách chị làm, chắc chắn các bạn mới đến hôm nay cũng sẽ có chung cảm giác rất thoải mái và gần gũi với hội hơn. Sự xông xáo ở chị như một lời nhắc nhở để mình phải cố gắng nhiều hơn nữa!  
Khi các nhóm đã đến đông đủ, mọi người đã có giây phút vui vẻ bên nhau thì cuộc vui tạm kết thúc để vào chương trình chính hôm nay.
Trong nhóm đi lần này, có mấy anh chị còn cho các em nhỏ đi theo để chơi với các bé, để dạy con mình biết chia sẻ yêu thương. Những điều tưởng như là nhỏ nhặt ấy nhưng đã gửi đi thông điệp yêu thương và cảm hứng cho biết bao con người xung quanh! Yêu thương sẻ chia chưa bao giờ mình cảm thấy đủ.
Mái ấm Thiên Thần không lớn lắm nhưng rất sạch sẽ và ngăn nắp. Mình bước vào khu vực phòng cho các em bé còn nằm nôi, một cảm xúc thật khó tả. Những câu hỏi cứ thế xuất hiện trong đầu khi nhìn ánh mắt nụ cười của các em. Các em xinh yêu là thế, bụ bẫm là thế, không biết vì lý do nào đó ngay khi mới lọt lòng đã phải rời xa hơi ấm của mẹ, tình thương của cha và cả gia đình ???? Mình chỉ ước rằng giá như, mọi em bé sinh ra trên đời đều được nằm trong cái nôi của dòng họ, đều có một cuộc sống bình yên dưới vòng tay chào đón của gia đình. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, mình vẫn có một niềm tin mãnh liệt các em sẽ lớn lên với nụ cười trên môi như ngày hôm nay mình gặp các em. 
Mình có một buổi sáng đông đầy cảm xúc!
Thật không uổng công mình đã “lặn lội” tìm đến nơi này.
Cảm ơn Hội thiện nguyện Nhân Ái đã cho mình thêm cơ hội để nhìn lại chính mình và để mở rộng lòng mình hơn.
Hẹn một dịp nào đó em sẽ tiếp tục hòa mình vào ngôi nhà chung của Hội Nhân Ái lần nữa.

Nguyễn Thị Xô
( Công ty SVTECH)                                          



Nhật ký chuyến từ thiện ngày 24 tháng 12 năm 2017 tại Quảng Nam.

Khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho 500 cụ già  xã Bình Định Nam, Huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Những ngày hôm nay, lu bu quá trời việc, phải cố gắng giải quyết nhanh để còn kịp chuyến tàu thiện nguyện cuối cùng của năm. Thế rồi mọi chuyện cũng xong, cũng kịp giờ lên máy bay. Đến sân bay Đà Nẵng là 18 giờ 15 ngày 23.12.2017. Trước khi ra khỏi máy bay, phải choàng thêm áo ấm cho chắc vậy mà bước xuống  là thấy gió lạnh bao trùm lên người liền. Bên ngoài trời mưa nho nhỏ. Lên taxi về khách sạn để kịp hợp đoàn với Hội Nhân Đức - đi xe từ thành phố HCM ra, đang chờ ở khách sạn để cùng ăn tối. Trên xe tranh thủ hỏi bác tài về thời tiết thì nghe nói là lâu nay bão và mưa cứ liên tục nối nhau. Ông Trời cứ làm vậy khổ cho bà con nông dân và buôn bán nhỏ quá. Vừa đến khách sạn là cùng Hội Nhân Đức nhanh chóng đi ăn tối , ăn sớm, nghỉ sớm để sáng mai dậy sớm về Quảng Nam.
5 giờ sáng 24.12.2017 đoàn chuẩn bị lên đường. Xe phải chạy loanh quanh đón các bác sĩ ở Đà Nẵng tham gia với đoàn. Chiếc xe chở hết tất thảy 20 thành viên, chủ yếu là bác sĩ, Hội Nhân Ái có 2 thành viên tham gia.
Như kế hoạch 7 giờ 30 đoàn đến Ủy Ban Nhân Dân Xã Bình Định Nam, Huyện Thăng Bình, Tỉnh Quảng Nam. Xe dừng trước hội trường ủy ban xã, trong hội trường bà con đã đến khá đông đủ. Đây là xã vùng xa với diện tích cũng khá rộng. Để đến đúng giờ bà con phải dậy sớm từ 5 giờ sáng và có người phải đi từ 10-15 km đường đồi trong mưa gió. Tiếp đón đoàn là hội Chữ Thập Đỏ, hội Cựu Chiến Binh và hội Phụ Nữ xã. Chúng tôi nhanh chóng xuống xe và triển khai quy trình làm việc: bàn đầu tiên là của thành viên xã để đọc danh sách vào khám bệnh, tiếp theo là 6 bàn cho 12 bác sĩ, sắp xếp bàn siêu âm và phòng điện tim, cuối cùng là bàn đôi phát thuốc và quà. Các bác sĩ vào vị trí nghiệp vụ , quán xuyến vòng ngoài chỉ có 2 thành viện hội Nhân Ái, may mà có thêm  bà con của các hội đoàn xã tích cực hỗ trợ  nên công việc cũng êm xuôi, thuận lợi.
Lần này đoàn phục vụ cho khoảng 500 bà con già yếu theo yêu cầu của xã. Với thời tiết bão lụt liên tiếp nối nhau, sau bão lại mưa kéo dài và lạnh, dự báo của Hội Nhân Đức chuẩn bị nhiều các loại thuốc về đường hô hấp, tim mạch, xương khớp…và dự báo này đã đúng khi đại đa số bà con đều được khám và cho thuốc các loại bệnh này.
Đoàn tích cực làm việc bắt đầu  từ 7 giờ 30 không ngơi nghỉ đến 13 giờ thì hoàn tất.  Có phát sinh một số cụ ông cụ bà đến xin được khám mà không có giấy mời của xã, nhưng may là bác sĩ Phong có kinh nghiệm khi nào cũng chuẩn bị thừa thuốc dự phòng cho nên tất cả đều đươc phục vụ tốt đến người cuối cùng. Trong phần thuốc phát cho bà con, ngoài thuốc theo toa khám bệnh mọi người còn được tặng thêm 2 hộp xà phòng khử trùng, khử khuẩn, 2 chai thuốc bổ và một số người nhận được thêm khăn trùm đầu, khăn choàng cổ.
Qua trao đổi với một số Ông Bà cụ thì được biết những bệnh nầy đã có từ lâu, nhưng sợ tốn nhiều tiền của con cháu trong lúc mưa bão triền miên không làm ra tiền nên ráng chịu đựng, cũng vì đợt này bão lụt liên tiếp kéo dài nên bệnh tình ngày càng gia tăng nặng hơn…may quá có đoàn đến phục vụ, không thôi không biết phải nén chịu đau đến bao giờ, cũng vì vậy mà bà con đã đến đông đủ và sớm. 
Khi mới bước vào hội trường nhìn thấy các ông, các bà, cô chú, anh chị …ốm o, mặt mày bơ phờ, ướt át, rách rưới …ngồi chờ khám bệnh, thiệt tội gì đâu !!..Nhưng khi được khám bệnh xong nhìn chung ai cũng phấn khởi bởi: bệnh bị dồn nén lâu rồi bây giờ mới được khám, được phát thuốc, có bác sĩ lắng nghe và  tận tâm chia sẻ khuyên bảo trong sinh hoạt, ăn uống để phòng chống bệnh tật, được nhận quà tặng hữu ích… Ra về, mặc dù  thuốc theo toa chưa uống, nhưng tâm bệnh đã được giải tỏa, quyết định đến 50% thành công của bệnh nhân. Cũng vì vậy  mọi người khi nhận xong quà và thuốc ai cũng ríu rít cám ơn, mong Hội về đây nhiều lần hơn nữa. Thế đấy, đến những vùng xa này không bao giờ là muộn, khi nào người dân cũng đang rất cần những sự cảm thông chia sẻ để đủ nghị lực thách thức với thiên tai trong muôn vàn khó khăn. Hội phụ nữ xã đã mời ở lại dùng cơm trưa thay lời cảm tạ. Đến 15 giờ 30 đoàn tạm biệt bà con để lên đường trở về TP.HCM. Chương trình từ thiện thành công như mong đợi.
Kính thưa quý thiện nguyện “ Chung một tấm lòng” của Hội Nhân Ái. Chương trình từ thiện cuối cùng của Hội trong năm dương lịch 2017 cũng đã kết thúc tốt đẹp, còn không bao nhiêu ngày nữa là kết thúc năm Đinh Dậu. Chúng ta biết rằng tài hèn sức mọn của mình không thể làm thay đổi cuộc sống bất hạnh của bao người, nhưng đó là tất cả tấm chân tình của chúng ta dành trao tặng muôn phương, góp chút hương hoa cho cuộc đời để bớt đi chút gam màu u ám.  Xin chân thành cám ơn những tấm lòng từ bi của quý vị, xin cảm tạ công đức vô lượng của những mạnh thường quân đã tích cực đóng góp tịnh tài, công sức và thời gian để duy trì hoạt động của Hội trong suốt thời gian qua, xin cám ơn những Trung tâm nuôi dưỡng, Hội đoàn, Chùa, Tịnh xá, ….có tấm lòng Bồ Tát cưu mang những phận người neo đơn, khốn khổ, bệnh tật, mồ côi…
Thành tâm cầu chúc cho  quý  ân nhân  năm mới 2018 gặt hái được nhiều thành công may mắn trong công việc, gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, vui vẻ hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái thảo hiền, mọi người đều có sức khỏe dồi dào để mạnh chân - khỏe gối mang phước đức đi khắp mọi nơi giúp đỡ những duyên phận cơ nhỡ, ngặt nghèo.

A Di Đà Phật.

Đặng Văn Ninh (Công ty Song Hành, Ban Tổ Chức HNA).

 
               




 Thành phố Hồ Chí Minh, thứ bảy ngày 23 tháng 12 năm 2017.

Có một ngôi Chùa nhỏ nằm trong 1 con hẻm ở quận 4, tên là Chùa Linh Sơn. Trong đêm khuya cách đây 7 năm, sư cô trụ trì của Chùa này nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh trước cửa. Đó là nhân duyên đã đưa bé này đến với sư cô giàu lòng nhân ái và cũng từ đó sư cô đã phát tâm nuôi các bé vừa sinh ra đã bị cha mẹ chối từ. Trẻ mồ côi đến với Chùa phần nhiều do được đặt dưới chân mẹ Quan Âm trước cửa Chùa trong đêm. Một số bé bị bỏ rơi ở bệnh viện hoặc một nơi nào khác....

Trong 7 năm qua, số  trẻ mồ côi tại Chùa tăng dần, cho đến nay có khoảng trên 60 bé từ sơ sinh đến 7 tuổi. Số lượng các bé tăng lên nên việc nuôi bé trong Chùa nhỏ không phù hợp,  sư cô đã thuê 1 căn nhà khác gần đó để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Chúng tôi đến mái ấm Tâm Đức thấy điều kiện vệ sinh rất tốt. Tất cả mọi người trước khi lên các tầng lầu để thăm bé đều phải rửa tay với xà bông và những chiếc khăn lau màu trắng giặt sạch đã được xếp ngay ngắn bên cạnh. 3 tầng lầu được phân chia như sau: tầng 1 nuôi các bé sơ sinh ( phòng riêng) + các bé từ 1 đến 3 tuổi, tầng 2 nuôi các bé gái từ 4 đến  7 tuổi, tầng 3 nuôi các bé trai từ 4 đến 7 tuổi. Mỗi tầng có 2 cô phụ trách riêng. Chúng tôi được vào chơi với các bé lớn, riêng phòng bé sơ sinh chỉ được đứng nhìn qua tấm kiếng, để đảm bảo môi trường sạch sẽ cho bé. 

Tôi thấy có 1 người nước ngoài ở đây sinh hoạt như người trong nhà. Nói chuyện với anh tôi được biết, anh là người Mỹ đến Việt Nam được 4 năm làm giáo viên dạy toán. Anh được một người bạn đồng nghiệp đưa đến thăm mái ấm này. Từ đó đến nay vào những ngày cuối tuần anh đến chơi với bé. Mái ấm dành ra 1 phòng làm phòng học để anh dạy tiếng Anh cho các bé lớn. Các bé ở đây rất thân thiện với anh, chúng chơi và nói bập bẹ vài câu tiếng Anh đơn giản với thầy mình. Anh có khuôn mặt đẹp trai, hiền lành, dễ gần, vui vẻ. Tiếc là bây giờ nhìn lại chúng tôi không có tấm hình nào chụp chung với anh. Một con người được sinh ra và lớn lên ở một đất nước - mà có những người trong chúng ta chưa dám mơ ước được 1 lần nào đó trong đời đặt chân đến. Anh ở cách xa chúng ta nửa vòng trái đất, là một thầy giáo Mỹ sang Việt Nam, anh có rất nhiều cơ hội để đăng ký dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ và thù lao tính bằng giờ trong hai ngày nghỉ cuối tuần, mà sao lại có ý định tìm đến Việt Nam và bây giờ gắn bó với các bé mồ côi như người anh, người chú. Chỉ có tình yêu thương là lời giải đáp. Thầm cảm phục con người như anh. 

Khi chuẩn bị chia tay các bé để qua Chùa, chúng tôi thấy có 1 nhóm bạn trẻ cũng đến thăm mái ấm. Nhìn cách các bạn bước vào, chúng tôi biết là các bạn ấy đã đến đây nhiều lần, đã quen thuộc nơi này. Các bạn trẻ đã tô điểm thêm cho ngày nghỉ cuối tuần của mình một bức tranh thật đẹp. 

Đi vào trong hẻm để thăm Chùa Linh Sơn, nơi hồi sinh những mầm sống, chúng tôi thấy Sư cô chắc cũng tầm 70 tuổi, đang ngồi may mùng cho bé. Chiếc mùng được may dài bằng với chiều dài của phòng, có lẽ không tìm thấy một nơi nào bán chiếc mùng như vậy.  Nếu không có sư cô thì giờ đây không biết số phận của hơn 60 đứa trẻ đó như thế nào.Cầu mong có nhiều nhà hảo tâm biết đến Chùa để góp chút lòng giúp sư cô nuôi dạy bé nên người.

Dù các bé được chăm sóc tốt và nuôi dạy tốt đến đâu cũng không bằng tình yêu thương của cha mẹ. Tất cả chúng đều thiếu thốn những cái ôm, những lần được bế bồng hoặc những lần được ngồi vào lòng ai đó để được vuốt ve, nựng nịu. Chúng giành nhau ngồi vào lòng người khác, khóc lóc khi mình bị đẩy ra ngoài. Có bé biết mình không thể chen được vào trong thì ngồi ở 1 góc phòng, không nói chuyện với ai.

Sau nhiều chuyến thăm trẻ mồ côi, tôi thấy sao có nhiều trẻ bị bỏ rơi như thế, có nơi vài chục bé, có nơi hàng trăm bé. Trong khi có những người suốt cuộc đời mang giấc mơ làm cha mẹ mà mãi mãi không thành, mặc dù tốn rất nhiều tiền bạc, công sức. Không biết trên thế giới này có nơi nào nhiều trẻ mồ côi như nước mình không? và cũng không biết là nhà nước của người ta nuôi trẻ mồ côi như thế nào, hay để người dân tự tập hợp về nuôi như những ngôi Chùa mình đã đi qua. Mỗi lần đi  1 chuyến từ thiện đến với trẻ mồ côi đều có những câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu. Đi đến đâu cũng thấy các bé quyến luyến người lạ, nhìn cảnh ấy thấy rất thương cho bé.

Nhưng rồi các cô chú áo xanh cũng phải chia tay các con ...

Một năm nữa lại sắp trôi qua. Cả thế giới chuẩn bị đón năm mới đang dần đến. Cầu chúc tất cả đại gia đình chúng ta có công việc ổn định, có thật nhiều sức khỏe và có cuộc sống hạnh phúc để tiếp tục đồng hành trên những nẻo đường thiện nguyện.

Cảm ơn các bạn đã luôn ủng hộ cho Hội.

Thân mến,

Trương Thị Đàm ( Ban tổ chức).




Nhật ký chuyến đi thiện nguyện cùng Hội Nhân Ái ngày 26 tháng 11 năm 2017, tại Trung Tâm Nuôi dưỡng Bảo Trợ Trẻ Em Tam Bình, Thủ Đức.

“ Ngủ ngoan con yêu, ngày mai hai mẹ con mình sẽ cùng đi chơi con nhé. Mẹ sẽ đưa con đi đến 1 nơi đặc biệt. Nơi ấy mẹ biết chắc là không có xích đu, cầu tuột, không có những con thú nhồi bông ngộ nghĩnh đẹp mắt mà chỉ có những anh chị bệnh tật, không có cha mẹ bên cạnh, có thể cuộc đời chỉ có nằm mà không có ngồi hoặc đứng lên chạy nhảy như bao bạn bè khác”.
 “ Con ơi, mẹ sẽ kể con nghe đây là lần thứ hai con được cùng mẹ đến với những người bất hạnh, kém may mắn. Con có nhớ lần đầu tiên không? À, mà không, lần ấy con đã chào đời đâu, chỉ mới được 8 tháng trong bụng mẹ thôi mà. Mẹ không thể mặc được cái áo giống như mọi người được, vì khi ấy con đã lớn lắm rồi J”.
“ Mẹ đã chuẩn bị đầy đủ quần áo, sữa, tã, nước, bánh cho con rồi. Ngày mai mình sẽ cùng dậy sớm tí con nhe. Hai mẹ con mình đã bỏ lỡ nhiều chuyến đi như thế này rồi đó con ạ. Cố lên, thiên thần bé nhỏ của mẹ bây giờ đã được 20 tháng rồi, con trai thật mạnh mẽ mà”.

...

“Bầu trời hôm nay trong xanh mát mẻ thật đẹp phải không con. Ồ, đến nơi rồi nè con. Nãy giờ hai mẹ con mình cùng ngêu ngao ca hát trên con ngựa sắt của mẹ mà quên cả thời gian. Chỉ mới  tầm 7h30 thôi nên chưa thấy ai trong Hội của mình hết. Thôi thì mình cùng vào quán cóc bên cạnh vậy, mình vừa uống cafe rồi chờ mọi người luôn nhỉ”.
“ Khoảng 8h thì chiếc xe của Hội mình đến, mọi người đã tập hợp đông đủ, trang phục chỉnh tề.  Hai mẹ con mình cùng nhập hội nhanh thôi nào”.
“ Nhìn con hòa đồng thật nhanh vào vòng tròn ca hát, chạy nhảy, nô đùa cùng các anh chị, mẹ nghĩ con chẳng có chút suy nghĩ nào đâu, vì con còn quá bé nhỏ để hiểu, nhưng đó là những khoảnh khắc khó quên đối với mẹ. Cho con trải nghiệm để sau này lớn lên con biết yêu thương, biết đùm bọc những ai kém may mắn hơn mình. Đó cũng là bài học quý báu mà mẹ muốn mang lại cho con trong chuyến đi này. Mẹ hứa sẽ chắp cánh cho con tiếp tục với những chuyến đi thiện nguyện cùng hội nhiều hơn”.
 “ Lớn lên chút nữa con sẽ cảm nhận được tấm lòng của các cô nơi đây tận tâm chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các bé, con sẽ phần nào hiểu được nỗi nhọc nhằn mà các cô nơi đây phải làm. Con sẽ có mong ước giống mẹ là muốn làm điều gì đó lớn lao hơn để các bé có được cuộc sống tốt hơn trong tương lai”.
“ Mẹ con mình cùng cám ơn Hội Nhân Ái rất rất nhiều và chúc cho Hội càng ngày càng vững bền để mang hơi ấm, tình thương đến những mảnh đời bất hạnh con nhé”



Phan Quỳnh Hương ( Công ty Nidec Copal).


Cảm nghĩ về chuyến từ thiện tại  Mái Ấm Kim Phước ở Tiền Giang ngày Chủ nhật 22/10/2017.

Từ trước tới giờ tôi đã từng đọc và nghe nhiều về những hoàn cảnh khó khăn trên các phương tiện truyền thông. Trong lòng gợn lên niềm thương cảm, xót xa. Tôi đến với Hội Nhân Ái để  được tham gia  những chuyến từ thiện và cũng để phần nào xoa dịu nỗi đau của những người bất hạnh. Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có “ niềm yêu thích” từ thiện. Sau nhiều lần cùng đi với Hội Nhân Ái, thấy yêu mến Hội mình hơn, nên  tôi đã “tỉ tê” để rủ mẹ đi cùng. Thế là hôm nay hai mẹ con đã có dịp tham dự trên chuyến xe thiện nguyện đến tỉnh Tiền Giang thăm Mái ấm Kim Phước - là căn nhà chung của nhiều người già neo đơn, bệnh tật, không gia đình và nhiều em nhỏ thiếu sự chăm sóc chở che của tình ruột thịt.
Trong chuyến đi này tôi nhận được rất nhiều cảm xúc đan xen nhau vui có buồn có. Vui vì mình được đại diện những con người có lòng nhân hậu, trắc ẩn và đồng cảm với những người kém may mắn trong cuộc sống. Tôi được đem những gói quà nhỏ trao tận tay các bác, các cô, các chú và cũng nhận được ánh mắt thân thiện, trìu mến của các bác dành cho thật là ấm áp. Đến khu nhà dành cho các em nhỏ, trước mắt tôi là những bé đang trong tuổi tập nói. Khi gặp chúng tôi các em giơ hai tay lên, miệng bập bẹ “ Mẹ ẵm, Mẹ ẵm”. Những đứa trẻ kháu khỉnh chừng 1 , 2 tuổi đòi ẵm bồng như bản năng muốn cảm nhận tình thương yêu, sự chở che của người Mẹ. Khi tôi bế một bé lên cưng nựng ánh mắt bé nhìn tôi rất ngây thơ trong sáng và đầy tình cảm. Trong tận tâm thức mình tôi thấy một nỗi buồn dâng lên nhưng không thể dùng từ ngữ nào để  diễn tả được. Trong cuộc sống chúng ta có những kỷ niệm bất chợt nhưng khó quên và ánh mắt này sẽ là  một ký ức trong tôi mãi mãi! Giờ này đây cha mẹ các em ở đâu, những bậc sinh thành ấy chắc mỗi người đi một phương trời, có biết chăng núm ruột của mình đang ngày đêm khát khao tình thương của họ. Những đứa trẻ này mãi mãi không bao giờ biết được mặt của người đã tạo ra chúng.  Khi lớn lên có chút suy nghĩ không biết chúng có oán hận cha mẹ mình không. Tôi cầu mong những mầm mống sân giận  này không nảy sinh trong lòng chúng, vì tôi hy vọng tiếng chuông Chùa, tiếng kinh kệ mỗi ngày sẽ thấm sâu và tưới mát tâm hồn của bé, vì bên cạnh bé còn có các cô bảo mẫu, mặc dù không quan hệ huyết thống nhưng đã chọn mái ấm này là nhà, cùng ăn cùng ngủ cùng lo lắng khi trái gió trở trời ảnh hưởng đến sức khỏe các bé. Được sống trong tình yêu thương, con người sẽ quên đi lòng thù hận.  Tôi mong sao cuộc sống của các em khi lớn lên được thanh thản, vượt qua mặc cảm của trẻ mồ côi…
Tại Mái ấm này, tôi còn được thấy một nhóm từ thiện đang hớt tóc cho các cụ già, nhóm từ thiện khác đang cắt móng tay móng chân cho các ông các bà, nhóm nữa đang lau mình cho những người không tự vệ sinh được. Những nhóm này không giúp đỡ bằng vật chất nhưng tấm lòng của họ thì chúng ta khó sánh được . Nếu không có đủ tình yêu thương chân tình, không ai dám cầm những bàn tay bàn chân nhăn nheo, co quắp để chăm sóc như người thân của mình được….Họ đã lặng lẽ cần mẫn cho đi tấm lòng vàng…
Xuống đến nhà bếp, tôi lại thấy những dì, những cô lo việc cơm nước cho hàng trăm cụ. Những người già nơi đây được ăn uống ngày ba bữa cơm chay, không lo đói vì thường xuyên có những mạnh thường quân giúp đỡ. Niềm vui của họ là thỉnh thoảng được thấy các đoàn từ thiện viếng thăm để có thêm chút quà tô điểm thêm cho cuộc sống tẻ nhạt suốt ngày quanh quẩn bên chiếc giường và căn phòng im ắng.
Nhìn những con người cặm cụi chu đáo với công việc thiện nguyện từng ngày từng ngày mà không cần sự tính toán công lao mới thấy chút sức mọn của mình hôm nay nhỏ bé quá, chẳng thấm vào đâu!
Cảm ơn những tấm lòng nhân ái của các anh chị đã cho tôi cơ hội gặp gỡ tiếp xúc những phận đời kém may mắn. Mặc dù việc làm của tôi hôm nay không đáng là bao, nhưng cũng làm tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Tôi thấy thương hơn các bạn bị say xe nhưng vẫn chấp nhận thử thách với cơn đau đầu chóng mặt để  đồng hành cùng chúng tôi. Cảm ơn các bạn đã tham gia cùng tôi trên chuyến xe vừa rồi, trên chuyến xe này tôi cảm nhận được một không khí gia đình rất đầm ấm và vui vẻ.
Chúc chúng ta có nhiều chuyến đi hơn và làm được nhiều việc hơn nữa.
Hẹn gặp lại mọi người trong những chuyến sau


Huỳnh Thị Hồng Phúc ( Công ty Nidec Copal)

Nhật ký chuyến từ thiện tại Sóc Trăng, Chủ nhật ngày 24 tháng 9 năm 2017

Một buổi sáng ngày chủ nhật em đã rất háo hức chuẩn bị cho chuyến đi xa lần đầu tiên đến một vùng quê ở Vĩnh Châu- Sóc Trăng, cái nơi chỉ cần nói đến hai chữ Làng Mù thì hầu như ai ai cũng biết đến. Nơi đây nổi tiếng với đặc sản: hành tím, gia công hành tím,…Nhưng chính công việc gia công hành tím đã mang lại nhiều tai ương cho bà con nông dân nơi đây. Đó là khi gia công hành tím thì bụi hành bay vào mắt của các bác nông dân gây ra bị loét giác mạc. Do không biết điều trị đúng cách và giữ gìn vệ sinh đôi mắt mà có rất nhiều người đã bị khiếm thị mãi mãi. Tuy vậy, em thấy ở họ có sự lạc quan vào cuộc sống khi qua tìm hiểu trên mạng và nhìn thực tế ở Tịnh xá Ngọc Như Châu hôm nay.
Chuyến xe xuất phát từ điểm đầu tiên tại công ty Nidec Copal lúc 5 giờ sáng. Hầu như các anh chị em trong nhóm đều hiểu rõ rằng chuyến đi này rất rất xa nên ai ai cũng đều đến đúng giờ, để không lãng phí giây phút nào, mong được đến nhanh với bà con. Tuy lần này Hội không giúp gì được nhiều, nhưng em nghĩ Hội đã đem đến niềm tin vào sự tốt đẹp cho bà con nơi đây. Họ sẽ được nhận những món quà do các mạnh thường quân ủng hộ, tiếp sức cho họ giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. 
Chiếc xe đã chở đủ 16 thành viên với biết bao nhiêu là đồ chất dưới gầm xe, dưới chỗ để chân. Hầu như xe không còn chỗ nào trống. Chúng tôi đều để giày dép ở bên ngoài để leo lên chỗ ngồi, gác chân lên ghế hoặc gác lên các bao đồ. Nhưng không sao, mọi người sẽ được dịp nâng cao chân, tốt cho những ai bị bệnh giãn tĩnh mạch. (Hihi) Chúng tôi được ngồi ở đây đã là may mắn hơn một số bạn khác vì đăng ký trễ nên không được đi cùng. Hãy vui lên các bạn nhé . 
Rút kinh nghiệm của đợt đi trước, lần này chúng tôi không ghé ăn dọc đường mà cùng ăn trên xe để không mất thêm thời gian. Xe đi đến khoảng 10 giờ thì vào được thành phố Sóc Trăng. Cơn mưa to ập đến thật nhanh, trước đầu xe là một màu trắng xóa, gió mạnh xô những tán cây nghiêng dạt sang một bên. Xe dừng lại trên đường để đón thêm anh Thực ở Bảo Minh Sóc Trăng, anh này sẽ hướng dẫn đường đi đến Tịnh xá – nơi bà con đang chờ. Người cùng anh đi chung chiếc xe máy để đón đoàn là chị Kim Cương – cũng ở Bảo Minh Sóc Trăng. Hai anh chị đã đi cả chục cây số để gặp được xe. Anh đã mang theo những trái bắp còn nóng cho đoàn làm ấm lòng hơn trong khi cơn mưa ngoài trời trút xuống. Chúng tôi còn được chị Kim Cương đãi những loại trái cây của miền Tây rất ngon như chôm chôm nhãn và ổi. Cảm ơn hai anh chị rất nhiều đã tiếp thêm sức cho cả Hội. 
Sau nhiều tiếng trên đường nhựa, xe tiếp tục rẽ vào làng, men theo con đường ngoằn nghèo trong thôn xóm với những cây xanh trải dọc hai bên đường. Xe cũng đã đến được Tịnh xá. Chiếc xe vào cổng rất khó khăn vì cổng nhỏ. Chúng tôi ngồi trên xe hồi hộp, im lặng, nín thở theo dõi bác tài de qua de lại, nhích từng chút từng chút. Khi xe qua được cổng, cả xe mừng rỡ cùng vỗ tay thật lớn. Vì nếu không vào được, chúng tôi phải đội mưa khiêng từng bao đồ vào sân, chắc là đồ sẽ bị ướt hết trước khi đến tay bà con.
Thật may mắn khi xe đến nơi thì mưa dần tạnh, mỗi người một tay cùng hợp sức đem quà vào. Vào đến nơi tập hợp của bà con, nhìn bà con đang ngồi niệm Phật “ Nam mô A Di Đà Phật” em vừa vận chuyển hàng mà nước mắt muốn tuôn rơi, thấy thật tội nghiệp làm sao. Những con người mù lòa, tật bệnh, già nua…ngồi thẳng hàng thành tâm niệm Phật trong khi chờ chúng tôi và những phái đoàn từ thiện khác đến. Họ đã đến đây tự lúc nào vậy, mà giờ đông thế kia ? Không ai bảo ai, cả nhóm cùng bắt tay ngay vào việc sắp xếp và phân chia đồ thật nhanh. Khi 300 thùng mì tôm vừa được các anh tình nguyện viên của Tịnh xá chuyển đến xong, là bắt đầu chương trình phát quà của Hội Nhân Ái. 
Khuôn viên Tịnh xá khá rộng nhưng do mái che có giới hạn, bên ngoài trời vẫn còn mưa lâm râm nên chỗ ngồi của bà con cũng bị ướt ở phía hai bên, nhưng không vì vậy mà mọi người hỗn loạn, vẫn trật tự chờ đợi những đoàn hội của các nơi đến trao quà. Nhìn họ ngồi yên chịu mưa rơi ướt áo quần thấy thương vô cùng, có lẽ do đến sau nên phải chịu ngồi bên ngoài. Ở đây chúng em thấy có bố trí một đội chuyên trách giữ trật tự. Đội này được mặc áo màu cam nhạt, phối hợp rất nhịp nhàng. Mỗi lần có 5 người được thu vé phát quà. Một chiếc xe sẽ ưu tiên cho ai bị mù hai mắt, hoặc yếu nhất hoặc người nào tật nguyền nhất ngồi lên xe đó, để được Đội chuyên trách đẩy đi và 4 người vịn vai nhau cùng đi phía sau xe. Phía bên phải đứng chờ từng chiếc xe đi qua có Chị Trang, Bé Phương và Bé Thảo tặng bao lì xì. Phía bên trái cả đoàn Hội Nhân Ái một màu xanh “ Chung một tấm lòng” cầm sẵn trên tay những thùng mì, những bộ đồ cũ đã được xếp gọn gàng vào bọc để tặng. Bên cạnh đó, các anh chị em của Hội còn chọn lựa ra những đôi dép cũ khá xinh tặng cho những người có thể mang vừa. Em nhớ các bạn đã chọn ra đôi màu vàng để mang vào cho 1 chị trong hình hài trẻ con, khuôn mặt chị được nhận rất vui. Các bạn còn chọn ra bọc nào có đồ trẻ con sẽ gửi cho các em nhỏ, bọc nào có đồ bộ nhiều sẽ tặng cho các chị, các cụ. Em thấy có những cụ già yếu chống gậy, nhưng có thể tự đi được đã nhất quyết không chịu ngồi trên xe để các anh đẩy, dù họ bước đi thật khó khăn. Biết nói sao về hành động này đây các bạn. Khó hiểu quá! 
Lúc Hội Nhân Ái mình tặng quà có 1 gia đình cũng đăng ký tặng chung. Phần quà của họ là 100.000đ cho 1 người. Họ chia nhau mỗi người cầm 1 xấp. Khi Hội mình tặng xong thì các xấp tiền trên tay họ vẫn còn. Họ tiếp tục chờ đợt sau để tặng chung với nhóm khác. Trước khi tặng quà, Sư cô đã mời anh đại diện gia đình ấy phát biểu. Do hôm ấy cúp điện không có micro mà người thì đông, nên em nghe câu được câu mất. Có một câu nói mà đến giờ đây em vẫn còn thấy khó hiểu “ ….Cảm ơn bà con đã cho gia đình con cơ hội được giúp đỡ bà con, con chúc bà con mạnh khỏe…” Anh ấy đã nói lời cảm ơn đến những người mà gia đình anh đã dành dụm tiền của và phải bỏ thời gian trong sáng nay đến đây để tặng quà cho họ?
 Những điều khó hiểu hôm nay có lẽ sau này em mới hiểu thấu sâu xa. Em nghĩ mình cần phải đi nhiều hơn nữa, làm nhiều hơn nữa để trưởng thành hơn.
Trưa hôm đó Hội được Tịnh xá chuẩn bị một bữa cơm đơn giản nhưng đậm chất nghĩa tình. Cầm những chiếc gỏi cuốn chay được gói công phu, với miếng lá chuối nhỏ bao xung quanh để cầm, nhìn rất vệ sinh, càng thêm ngon miệng. Lại một hành động của người cho đi nghĩ đến người nhận! Chỉ một chi tiết nhỏ này thôi nhưng em thấy ở các quán ăn của thành phố Sài Gòn chưa có quán nào làm như thế. Một hành động nhỏ chứa đựng một sự quan tâm lớn. Món nào cũng ngon, làm tăng thêm niềm vui cho cả Hội . 
Chúng em tạm biệt ngôi Tịnh xá, trời cũng còn mưa lất phất để quay về lại thành phố - nơi phồn hoa đô thị, để lại trong lòng của cả nhóm nỗi khoắc khoải, mong muốn có thật nhiều tấm lòng hơn nữa để giúp đỡ bà con nơi đây vượt qua những cái khó tạm thời của cuộc sống này. 
Em mong Hội Nhân Ái sẽ ngày càng phát triển hơn, luôn nhận được nhiều tấm chân tình của các nhà hảo tâm âm thầm ủng hộ, luôn nhận được sự hưởng ứng của các bạn trẻ với tấm lòng không ngại đường xa đêm khuya cùng cả đoàn đi đến những miền quê xa xôi, san sẻ phần nhỏ những khó khăn cho bà con.

Nguyễn Thị Diễm Thúy ( Nidec Copal- Việt Nam)

 Nhật ký chuyến từ thiện tại Làng Mù Vĩnh Châu – Sóc Trăng, Chủ nhật ngày 24/9/ 2017

Rút cuộc cũng lên xe được, cũng miền tây thẳng tiến cùng với Hội Nhân Ái.
Đã rất nhiều lần mình muốn tham gia những chuyến đi từ thiện với Hội Nhân Ái, nhưng chủ nhật nào cũng vậy, lu bu việc nhà: đi siêu thị chuẩn bị thức ăn cho cả tuần, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn cho cả nhà, …Dẫu con cái đã lớn hết rồi, nhưng vẫn không yên tâm được. Đôi khi còn phải chu toàn đám, tiệc, hiếu, hỷ….để tròn bổn phận với nhân gian. Đã có vô số ngày chủ nhật “ nội trợ -bếp núc” trôi qua cuộc đời mình như thế. Thật ra ngày chủ nhật là ngày lu bu nhất trong tuần.
Được thông báo chủ nhật 24.09.2017 Hội Nhân Ái có chương trình từ thiện xa ở Sóc Trăng. Không thể để lời hứa ở mãi trong lòng, lần này mình phải quyết tâm đi cho bằng được, lỗi hẹn nhiều lắm rồi. Thế là chiều thứ bảy đi làm về chuẩn bị nhanh cơm tối, giải quyết xong việc đi siêu thị và chuẩn bị thực phẩm nhanh gọn cho tuần sau. Phân công hai con phụ dọn dẹp nhà cửa cuối tuần…3 giờ sáng ngày chủ nhật phải dậy để nấu thức ăn cả ngày cho Nội và hai con. Mọi việc xong xuôi đã gần 5 giờ. Hai vợ chồng vội vàng trên chiếc xe máy để đến điểm hẹn.  Đúng 5h30 cũng kịp lên xe.
Xe lăn bánh, ấn tượng đầu tiên đến với tôi là thấy mọi thành viên trong Hội Nhân Ái đều vui vẻ, phấn khởi, cười đùa rôm rả. Tôi cũng dễ dàng hòa nhập vào không khí chung này, làm quen, chia sẻ những mẩu chuyện vui nho nhỏ trên xe. Không khí của các thành viên đã làm tôi quên hẳn chuyện lo toan ở nhà mà cuốn theo những công việc sắp tới. Tôi đang lo lắng không biết nơi mình sắp tới như thế nào, sẽ gặp những ai, làm việc cụ thể gì?...vì đây là lần đầu tôi đi mà. Thôi đường còn dài lắm, tôi tranh thủ chợp mắt một tí, trong khi mọi người vẫn đang sôi nổi nhiều chuyện.
Chiếc xe chạy êm êm 1 tiếng, 2 tiếng rồi 3 tiếng …đến 4 tiếng đồng hồ trôi qua. Lúc này xe đang vào địa phận Sóc Trăng. Chợt tỉnh giấc khi nghe chị Đàm tóm tắt công việc sắp tới. Tôi được biết đợt này Hội phát quà và tiền cho 300 bà con mù, nghèo khó. Sẽ có những công việc cụ thể  như: tặng mì tôm, xếp lại quần áo gói vào bao xốp, phân chia đồ cũ thành từng loại, từng gói nhỏ, tặng bao lì xì ( 100.000đ/ bao). Em Thúy nhanh nhẹn phân chia rõ từng nhóm bạn nào phụ trách việc gì. Nhìn các bạn trẻ  rất chuyên nghiệp, chỉ cần nghe qua là mọi thành viên đã hiểu rõ việc của mình. Tôi cũng chú tâm lắng nghe để xem việc nào phù hợp với mình. Tôi được nhận 300 bao lì xì để tặng bà con, trong khi vẫn còn ngỡ ngàng chưa hiểu lắm là sẽ tặng như thế nào, nhưng tôi nghĩ chắc cũng không sao đâu, rồi mọi việc sẽ ổn thôi. Trời tiếp tục mưa lớn khoảng hơn 1 tiếng nữa trước khi chúng tôi đến Tịnh xá Ngọc Châu Như. May mắn là khi xe vừa đến nơi thì mưa cũng dần nhẹ hạt. Trong sân của Tịnh xá đã ướt đẫm nước. Bên ngoài trời vẫn cứ mưa rả rích…
11 giờ 30 xe đến Tịnh xá Ngọc Châu Như. Xe dừng hẳn trong khuôn viên Tịnh xá, mọi người xuống xe nhanh chóng phụ nhau mang hàng hóa vào khu tập trung. Tôi cũng vậy, mong sao mang vào thật nhanh để phát liền cho bà con kẻo tội. Khi xách hàng đến khu trung tâm tôi chợt tá hỏa khi thấy có đến cả ngàn người người ngồi chờ trước sảnh, mà toàn người mù lòa bệnh tật, khuôn mặt ai cũng khắc khổ, đa số là người già, trẻ em cũng có…Sau lưng tôi còn rồng rắn nhiều người đến nhận quà nữa, có người đi được, có người phải dìu đi, có người không tự đi được phải nhờ người nhà cõng hoặc đi xe lăn. Mặc dù đông người nhưng tất cả đều ngồi ngay ngắn, trật tự, không có cảnh chen lấn xô đẩy, tôi rất lấy làm cảm phục. Có nhiều người ngồi phía bên ngoài mái ngói do không còn chỗ bên trong, họ bị trời mưa hắt tạt vào ướt hết áo quần, nhìn thiệt tội ghê. Từ ngoài cổng tôi đã nghe âm thanh tiếng tụng niệm tập thể “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật”chậm chậm rót vào lòng người trong tiếng mưa rơi. Tôi cũng thầm đọc theo họ mà lòng cứ xao xuyến bồi hồi. Tôi chợt xót xa, hình như Hội Nhân Ái chỉ chuẩn bị 300 phần quà thôi mà, thực tế đông như vậy thì làm sao đủ? Người ta cực khổ đội mưa gió tới đây mà không còn quà phát thì tội chết…tôi cứ day dứt trong lòng. Khi nghe chị Đàm nói hôm nay không phải chỉ có Hội mình mà có nhiều hội khác cũng đăng ký phát từ thiện nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Tiếp đến là khâu phát quà. Hội Nhân Ái cùng một Hội nữa kết hợp phát quà. Do đã được phân công trước, chúng tôi cùng bắt tay vào việc. Bạn tặng quần áo, bạn tặng mì tôm, bạn lo đẩy xe, còn tôi thì tặng phong bì. Từng đoàn người vịn vai nhau đi ngang qua, chúng tôi cứ cặm cuội thành tâm trao tận tay từng người. Nhóm tình nguyện viên của Tịnh xá giúp đẩy xe ra tận cổng cho người nhà đón. Loay hoay một chút cũng xong việc, nhưng nhìn xuống chỉ vơi được một phần. Rất nhiều khuôn mặt lo lắng hướng về phía chúng tôi, nhiều cánh tay khắc khổ ốm o dang ra,…Họ không biết đến khi nào mới được phát tiếp. May quá, còn nhiều đoàn từ thiện đang chờ, nghe nói có đoàn đăng ký phát 800 phần quà. Như vậy chút nữa ai cũng sẽ có quà mang về.
Đến trưa Hội được quý sư cô mời dùng cơm chay, bữa cơm đạm bạc dưa cà quá ngon với tôi vì đã giải tỏa được bao nhiêu là lo lắng, hồi hộp , xót xa….tội nghiệp cho những kiếp người.
Xong việc, đoàn lên xe trở về thành phố. Tôi đã đươc một ngày đi theo sự trải nghiệm thắm đượm tình yêu thương con người như thế. Quay trở lại xe, tôi  cố lim dim chợp mắt nhưng những ánh mắt mù lòa, những cánh tay khẳng khiu vươn ra, những thân hình gầy còm  tật nguyền của các ông bà, các mẹ, các cô chú và các cháu cứ xoay vần hiện ra. Âm thanh tụng niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn…cứ văng vẳng bên tai cho đến khi xe đến TP.HCM chấm dứt một ngày từ thiện viên mãn
Giờ đây ngồi lại để viết lên cảm xúc của mình, tôi chân thành cám ơn các Ni cô của Tịnh xá Ngọc Châu Như quá vất vả làm cầu nối cho những tấm lòng thiện nguyện đến với đông đảo bà con khốn khổ, bất hạnh. Cám ơn Hội Nhân Ái và các Hội từ thiện khác không ngại xa xôi trang trải vật chất, động viên tinh thần cho bà con. Cám ơn tất cả những mạnh thường quân xa gần đã đóng góp cho chương trình. Cầu nguyện cho các Ni cô có thật nhiều sức khỏe để phụng sự cho đạo và đời. Cầu chúc cho các hội từ thiện nhiều nghị lực để có thêm nhiều chuyến đi giúp đời bớt khổ. Cầu chúc cho các mạnh thường quân luôn gặp nhiều may mắn trong công việc, phát tài, thành đạt trong kinh doanh. Chúc cho bà con thêm nhiều sức khỏe vượt qua thử thách của cuộc sống vô thường hôm nay.

Xin cảm ơn tất cả và hẹn gặp lại.

PHAN THI MINH TRANG ( Hiệu phó trường Trí Đức, quận Tân Phú)
Trangtriduc@yahoo.com.vn



Nhật ký chuyến từ thiện ngày 17 tháng 9 năm 2017.


Tôi đến với Hội Nhân Ái thông qua người bạn, nhưng đối với tôi Hội Nhân Ái thật gần gũi làm sao. Những hành trình mới với những khuôn mặt yêu thương và những công việc quen thuộc giờ đây là một phần đời trong cuộc sống của tôi. Mặc dù có lúc bản thân  cũng quá mệt mỏi vì phải làm ca đêm, nhưng sáng ra hễ có có chuyến từ thiện là tôi cố gắng tham gia,  để không bỏ sót chuyến đi nào. Bởi một lẽ giản đơn theo suy nghĩ của tôi - với  những  con  người  có  trái tim  biết  yêu thương  đó  mới  gọi  là  cuộc  sống.

Sáng hôm nay, được tận mắt chứng kiến các em khiếm thị biết chơi đàn, biết sử dụng thành thạo máy vi tính. Có em còn được chọn đi thi đấu cờ vua. Tôi không nghĩ rằng các em có thể bơi lội tung tăng giữa dòng nước khi trước mặt là một màu đen tối. Thật  cảm động  và khâm phục  trước  nghị lực của  các  em khi thấy các em hòa nhập tự nhiên với cuộc sống bình thường. Dù  hoàn  cảnh  còn nhiều khó  khăn cũng  như  khiếm khuyết cơ thể, nhưng bằng  cả  nỗ  lực  của  chính  mình,  các  em đã  cố  gắng  từng  ngày  từng  ngày  để  được  học, được  vui  chơi, để có được cuộc  sống  vui  vẻ  và hạnh phúc  như  bao người khác.

Hầu hết các em vào đây đều bị khiếm thị bẩm sinh. Ánh  sáng  đối  với  các  em  là  điều  rất  xa  lạ, bởi  từ  khi  chào  đời  thì  số  phận  đã  buộc em phải sống trong bóng tối. Tôi nhìn thấy bên trong em là ánh sáng của tinh thần lạc quan yêu đời, phủ kín lên tâm  hồn và trái tim  của các  em. Các em đã vươn lên để sống như một người bình thường và  có thể còn   hơn  một số người lành lặn khác.....

Đối  với các em ước  mơ  thật  nhỏ  nhoi là có được  nụ  cười, có được  vòng  tay ấm  áp hằng  ngày  của cha  mẹ, nhưng nhiều em mãi mãi sẽ không có được niềm hạnh phúc đó. Các em thân thương! Cuộc  đời sẽ không lấy hết của em mọi thứ,  luôn  luôn  có quy  luật  bù  trừ. Các em có được  những  tình  cảm  của các thầy cô đã trao tặng cả cuộc đời của họ để nuôi dạy em từng bước chân chập chững vào đời, giúp các em tự tin đối diện với nhiều thử thách phía trước. Bên cạnh các em còn có mọi  người  nhân ái trong  xã  hội cũng  như  những  tấm  lòng cao cả  của con  người đối  với  con  người.

Cũng  như  tất  cả  mọi  người  trong  chuyến  đi  ngày  hôm  nay  đều  mang  một tâm  trạng đầy xúc động. Hội Nhân Ái đã  mang  đến  điều tốt  đẹp  đến  các  em. Hy vọng  rằng  thời  gian  sắp  tới  này  tất  cả  mọi  người  sẽ  có chuyến  trải  nghiệm thật  ý nghĩa để  đem đến nụ  cười và  tiếp thêm động  lực đến  những  hoàn  cảnh  khó  khăn,  những  số  phận không được  may  mắn như chúng ta.

Một  lần  nữa  cảm ơn Ms. Đàm đã  thành  lập  Hội Nhân Ái, cảm ơn  tất  cả  mọi  người  gần  xa đã đóng góp để hội  từng  ngày  từng ngày phát triển.  Cảm ơn  những người  bạn thân yêu của tôi đã cùng đồng hành trong  chuyến đi  ngày  hôm  nay. Một ngày thật tràn đầy  ý  nghĩa.
Hẹn gặp nhau tại chuyến đi  vào  ngày  24/9 sắp tới nhé.

Tạ Tuấn
(The Penthouse Rooftop Lounge)






Nhật ký chuyến đi từ thiện – Chủ nhật, ngày 27 tháng 8 năm 2017 tại Làng Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ – TPHCM.

Xin chào mọi người ở Hội Nhân Ái!
Mình rất thích đi từ thiện, nên mong muốn tìm một Hội nào đó phù hợp để cùng tham gia. Sau nhiều lần lang thang trên mạng, mình đã tìm thấy các bạn! Màu áo năng động đã lôi cuốn mình đến với Hội trong buổi sáng chủ nhật đẹp trời hôm nay.
Đây là lần đầu tiên mình được mặc chiếc áo xanh của các bạn để tham gia cùng với mọi người. Thật sự có rất nhiều cảm xúc! Mình chờ đợi giây phút hồi hộp, bỡ ngỡ, ngại ngùng ban đầu sẽ đến. Nhưng rồi mình thấy ở các bạn sự trẻ trung, năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã lan tỏa ra xung quanh. Một cảm giác thân thiện, gần gũi, vui vẻ khi mới biết mặt nhau đến thật nhanh.
Hôm nay, mình và mọi người đến thăm các bé ở Làng Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ TP HCM. Mình thấy rất khâm phục nghị lực sống của các em. Dù bị chất độc da cam, tật nguyền hay một bệnh nan y nào đó, nhưng tất cả các em đều tươi cười, yêu thương, giúp đỡ nhau. Các em đa số đều phát âm không rõ nhưng vẫn lên hát cho mọi người nghe. Có em câm điếc cũng đã lên múa. Dù thân thể khiếm khuyết nhưng hầu hết các em rất hào hứng tham gia. Và mỗi lần như thế, các em nhận được một phần bánh.  Mình đã nhìn thấy các em chia cho những bạn khác cùng ăn. Những gói bánh bây giờ không còn là của riêng một em nào nữa. Em này đút cho em kia, cảm thấy giống như trong một nhà chung hòa thuận, cùng ăn, cùng vui!
Trong “ngôi làng Hòa Bình” đó có bé Thảo không tự đi được trên đôi chân của mình. Lúc đầu bé ngại không hát, nhưng khi được anh chị trong hội động viên, chị Đàm bồng bé vào lòng mình, Thảo đã cởi mở hơn. Ở nơi ấy có em Thủy, đã 20 tuổi với đôi chân nhỏ bé  nhưng em đã học đến lớp 12. Cuối năm nay sẽ được đặt cách tốt nghiệp phổ thông. Thủy có một nghị lực sống không thua những người bình thường. Thủy và Thảo cùng chơi chung với bạn Hugo – có vóc người cao lớn giống cô thiếu nữ, dáng thiệt chuẩn, nhưng có nét mặt của một đứa bé với giọng nói ngọng nghịu. Cả ba bạn đã dành ra mấy ngày để tập 2 bài hát tặng Hội hôm nay. Lời của cả 2 bài hát thật xúc động, đó là bài “Khi vắng mẹ” và bài “Đứa bé”. Có lẽ mình cảm động nhất khi 3 em hát bài “Đứa bé”. Nó giống như hoàn cảnh mong ước của các em, dù “Dẫu biết rằng chỉ là giấc mơ”. Ở nơi cuộc sống có quá nhiều thiệt thòi đã xuất hiện những tấm lòng của các anh chị lớn phụ các cô điều dưỡng chăm lo cho các em nhỏ hơn. Anh trai có đôi chân ngắn chỉ ngang đầu gối đã chạy theo đút cơm cho 1 em nhỏ hơn, dù anh đi đứng còn khó khăn. Anh đã cố gắng đi theo để đút cho em ăn hết tô cơm vì em nhỏ này thích “chạy qua chạy lại”. Điển hình nhất là người anh cả  Nguyễn Hồng Lợi. Anh ấy bị cụt hai chân và teo một tay phải nhưng bằng nghị lực sống kiên cường, người anh ấy vẫn hiên ngang vượt lên làm chủ số phận, để bây giờ anh trở thành vận động viên bơi lội tại TPHCM. Anh từng giành nhiều huy chương Vàng Bạc trong nước, nhưng cao nhất là huy chương Đồng năm 2014 môn bơi lội tại Asian Paragames 26 tại Myanmar. Anh Lợi hàng ngày nhận nhiệm vụ đưa đón các em đi học trên chiếc xe máy 3 bánh thiết kế riêng cho anh. Anh Lợi và Chị Thủy là tấm gương cho các em nhỏ về nghị lực sống không đầu hàng số phận. Bên cạnh đó còn có những bé không thể đi được, sống cuộc đời thực vật, phải nằm một chỗ nhìn rất đáng thương. Một bé gái bị não úng thủy, đầu rất to, bé rên đau không thể làm gì giúp em, có những bé bị co giật, tay bị cột vào thành giường nhìn mà đau xót, có em không có đôi mắt......
Hãy cvươn lên các em nhé! Những đứa con trong Làng Hòa Bình đều không có cha mẹ bên cạnh, nhưng tụi em vẫn còn có những y bác sĩ, những anh kỹ thuật viên tận tâm luôn túc trực bên cạnh, có những tấm lòng nhân ái khắp mọi miền Tổ quốc, có những người con Việt Nam xa xứ thỉnh thoảng vẫn ghé thăm, có má Ngọc Phượng bao nhiêu năm đi nước ngoài để đấu tranh đòi lại công lý cho các em, còn nữa và còn nữa …Xã hội và mọi người không lãng quên các em.
Qua một buổi đi hôm nay, mình hiểu được nhiều điều. Thật may mắn khi ba mẹ cho mình một cơ thể lành lặn. Nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn xuống mình hơn rất nhiều người.
Cảm ơn các anh chị em trong Hội Nhân Ái đã cho mình một trải nghiệm mình đã học rất nhiều thứ: tính nhân văn, tình người giữa những người cùng chung số phận. Cm ơn các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ – những người đã tận tâm giúp đỡ, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Và mình tâm đắc câu nói của anh Nguyễn Hồng Lợi chia sẻ: “Cuộc đời không cho mình nhiều thứ, nhưng không lấy đi tất cả. Tôi rất có niềm tin, hy vọng vào cuộc sống và tương lai của mình. Do đó, tôi mong mọi người cũng hãy nghĩ như tôi ”
Huỳnh Thị Thùy Trang ( quận Bình Thạnh, TP HCM )

BÀI HÁT KHI VẮNG MẸ


Không biết khi vắng Mẹ chúng con sẽ ra sao ?
Không biết khi vắng Mẹ bữa cơm ai nấu cho ?
Không biết khi vắng Mẹ mỗi đêm ai đắp chăn cho con bớt lạnh ?

Ai hát ru cho con ngủ ngon ?


Con biết khi vắng Mẹ chẳng ai còn la mắng
Nhưng chẳng ai ân cần, chẳng ai nghĩ đến con
Không biết khi vắng Mẹ có ai ôm lấy con khi con đang buồn ?
Ai sẽ yêu con hơn bản thân ?


Mẹ ơi con xin Mẹ ở bên cùng con
Mẹ ơi con xin Mẹ ở mãi cùng con
Mẹ ơi con sợ rằng thời gian trôi sẽ không dừng lại
Con chỉ cần Mẹ được sống vui bên con mà thôi !


Con biết khi vắng Mẹ thế gian chẳng ai thay thế
Con biết khi vắng Mẹ mới hiểu chữ " mồ côi "


BÀI HÁT ĐỨA BÉ

Trong đêm một bàn chân bước 
Bé xíu lang thang trên đường 
Ánh mắt buồn, mệt nhoài của em 
Em rất buồn vì em không biết đi, đi về đâu... 

Cuộc sống mưu sinh chỉ làm em qua cơn đói từng ngày 
Vì em không cha, vì em đã mất mẹ 
Thương đau vẫn là đau thương... 

Em mơ một vì sao sáng 
Dẫn lối em trên đường đời 
Dẫu biết rằng chỉ là giấc mơ 
Đã lâu rồi em đã không, không có tình thương... 

Nhìn thấy ai ai cũng đều vui bên mẹ cha 
Giọt lệ em tuôn rơi, hòa tan với nỗi buồn 
Bước đi trong chiều mưa... 

Hãy lau khô cuộc đời em 
Bằng tình thương, lòng nhân ái của con người ! 
Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em 
Bằng tất cả trái tim con người Việt Nam !

**********************************************************************


Nhật ký chuyến từ thiện ngày Chủ nhật 27/8/2017 tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ

Thân chào các bạn,

Tôi là Oanh hiện đang làm việc tại Công ty Nidec Copal ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 Tp.HCM. Tôi ước muốn bản thân mình sống tốt và ý nghĩa hơn, ước muốn làm việc gì đó có ích, nhưng tôi không xác định được mình nên làm điều gì và bắt đầu như thế nào? Hình như luôn có một lực cản vô hình nào đó níu kéo tôi trở lại với “vỏ ốc” của mình, bởi vì gia đình tôi cũng là một trong số những người thuộc hoàn cảnh khó khăn. Từ khi lớn lên tôi mang sẵn trong lòng sự tự ti, mặc cảm với bạn bè. Tôi hay than vãn cho rằng cuộc đời quá bất công với bản thân mình, đôi khi lại cảm thấy bất mãn với cuộc sống.... Tôi tự an ủi rằng - chính bản thân mình còn có những khó khăn chưa thể gỡ bỏ được, nên tạm bằng lòng với cuộc sống chỉ biết đến riêng mình. Và thật tình cờ tôi được biết đến một người chị cùng công ty. Chị đã giúp tôi đến với Hội – đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Chị ấy tên là Diễm Thúy - một trong những thành viên của Hội Nhân Ái.
Hội Nhân Ái đã có những hoạt động thiết thực nhằm phần nào giúp đỡ các cụ già, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như việc trao tặng những vật dụng hàng ngày, đồ dùng học tập, khám bệnh, phát thuốc và còn trao những món quà cần thiết để trang trải cho cuộc sống. Được tham gia nhiều buổi từ thiện cùng Hội Nhân Ái, đó chính là cái duyên và là cơ hội giúp tôi hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về thế giới muôn màu xung quanh. Cho đến hôm nay, tôi đã đi được nhiều nơi. Ở những nơi đó có nhiều đứa trẻ mồ côi, những người khuyết tật, những người bị mù, những cụ già neo đơn v.v..... So với những khó khăn của gia đình tôi thì nỗi bất hạnh của họ lớn gấp trăm lần. Nhưng cái đáng nói ở đây là họ luôn toát ra niềm vui vẻ, yêu cuộc sống. Họ luôn nhìn về phía trước để sống và không ngừng nỗ lực để gặt hái thành công. Họ là những con người đáng được quan tâm. Vậy thì tại sao tôi không dang rộng vòng tay mình ra để nắm lấy bàn tay của họ. Tất cả những cụ già này, những em bé thơ kia rất cần lắm sự sẻ chia. Tôi không có gì cả, nhưng ít nhất tôi có sức khỏe và thời gian, tôi có thể giúp Hội trao tặng từng phần quà tận tay các em, cùng các em tham gia một số trò chơi vui nhộn, cùng hòa nhập với các em nhằm giúp các em có tinh thần thoải mái hơn, ....
Dần dần, tự lúc nào tôi đã thấy giờ đây mình thành cô Oanh khác ngày xưa. Tôi yêu đời vui vẻ, sống chan hòa, mở rộng lòng hơn sau mỗi chuyến đi. Mỗi một lần đi đều mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau, thậm chí có những lúc vui mà rơi nước mắt, vì chứng kiến những suy nghĩ mà họ có, dù tàn tật  về thân thể nhưng tâm hồn của họ không bị mài mòn, Họ lạc quan đến mức tôi không ngờ. Được gặp những người ấy, tôi nhận ra rằng mình phải cố gắng nhiều hơn, phải sống lạc quan và có ích hơn nữa. Chuyến đi lần này giúp tôi hiểu sâu hơn về cuộc sống của các anh, chị, em không được may mắn. 
         Hội Nhân Ái không chỉ giúp về vật chất, mà còn mang đến cho họ niềm tin vào cuộc sống. Họ tin rằng ở đâu đó có nhiều người không quen biết nhưng quan tâm đến họ, tin rằng họ không bị bỏ rơi. Tình thương của tất cả chúng ta chính là nguồn động lực giúp họ cố gắng để bước tiếp... Riêng với tôi, tôi rút ra nhiều bài học qua mỗi chuyến đi, tôi thật sự rất vui vì biết và tham gia Hội Nhân Ái. Tôi đi để thay đổi mình nhiều hơn nữa….
Tôi mong rằng nhiều người sẽ quan tâm đến Hội và chung tay giúp Hội ngày càng phát triển vững mạnh hơn trong tương lai.

Đàng Thị Kim Oanh ( Công ty Nidec Copal)
  


Nhật ký chuyến từ thiện Chủ nhật , ngày 16  tháng 07 năm 2017

                                         Sài Gòn, Chủ nhật ngày 16 tháng 7 năm 2017

Kết thúc vòng xoay của những ngày làm việc, trong màu áo xanh Nhân Ái, chúng tôi háo hức chờ đến ngày hôm nay để đi gieo những hạt mầm yêu thương đến với các cụ già, các em nhỏ ở Mái ấm Thiên Bình, tỉnh Đồng Nai.
          Chúng tôi đi đến những miền đất mới, đến với những mảnh đời bất hạnh, đến với những thiên thần bị bỏ rơi… để trải nghiệm những điều mới lạ và để hiểu rõ hơn về cuộc sống này. Đi để một lần nữa cảm nhận niềm vui từ thiện, khi nhìn thấy những gương mặt vui tươi của những cụ già và trẻ nhỏ khi chúng tôi trao quà và niềm vui thấy mình sống có ý nghĩa hơn, tình người hơn. Thật cảm động nghẹn ngào khi nghe những câu chuyện được kể về những mảnh đời còn bao gian nan vất vả để được sống. Câu chuyện về em nhỏ bị bỏ rơi khi mang trong mình khuyết tật, nhưng bằng tình yêu thương của tất cả mọi người, em đã vượt qua để sống tiếp, dù cho cơ thể không lành lặn. Câu chuyện về các bà, các cụ khi thấy mình còn khỏe hơn đã nhận chăm sóc cho các em nhỏ bị bại não...
          Người ta thường nói, không ai có thể chọn cho mình nơi sinh ra, nhưng có thể chọn cho mình cách sống. Bằng tấm lòng hảo tâm và sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái trong xã hội đã giúp cho các cụ già, các em có cuộc sống tốt hơn. Những cụ già có những phút giây ấm lòng bằng cái nắm tay thăm hỏi, bằng những món quà được những bàn tay tuổi trẻ trao tặng. Những bàn tay ấy cũng truyền đi hơi ấm cho những bàn tay nhăn nheo vì năm tháng cuộc đời. Các em nhỏ cũng được hòa mình cùng các anh chị để tham gia những trò chơi vận động, giúp các em tự tin, năng động, vui vẻ với những phút giây hiếm hoi. Chúng tôi đã làm tất cả để đổi lấy nụ cười hồn nhiên trên gương mặt các em.
          Nhìn hàng trăm em nhỏ vui đùa, tôi cảm nhận được đằng sau đó là một tình thường yêu vô bờ bến của những người đứng đầu. Tiếp theo sau là những công việc vất vả của đội ngũ phục vụ cho các em. Chúng ta khoan nói đến sự tu hành của những sư Thầy, sư cô, những Ông Cha đạo, những Dì Seur, những người thiện nguyện đã theo con đường tôn giáo để phụng sự. Hãy nhìn những con người ấy đã dâng hiến cả cuộc đời của mình làm nên những điều tốt đẹp cho xã hội. Nhìn họ nguyện gắn bó đời mình với những phận đời cần sự chở che, bao bọc, cần sự cưu mang, để thấy ngưỡng mộ trước tấm lòng của họ. Chúng ta hãy cùng nhau tiếp sức cho những Mái ấm như thế này để những bậc chân tu có thêm nghị lực, thêm nguồn động viên bước tới.
Chuyến đi hôm nay chúng tôi rất vui vì đã cùng đóng góp được điều có ý nghĩa như thế. Bên cạnh điều “cho đi”, chúng tôi được “ nhận lại” rất nhiều. Chỉ với thời gian ngắn, tập thể chúng tôi mỗi ngày càng có nhiều kỷ niệm, thêm gắn bó yêu thương nhau hơn rất nhiều từ khi tham gia với Hội. Kết thúc chuyến đi, tất cả các anh chị em trong đoàn luôn mong chờ ngày gặp mặt lần sau.
Mời các bạn nếu sắp xếp được thời gian hãy đến với chúng tôi, hãy cùng đồng hành một lần với Hội Nhân Ái – cùng nhau đi trao yêu thương, bạn sẽ nhận lại nhiều hơn thế. Tôi đã được tham gia rất nhiều chuyến đi. Đến hôm nay tôi mới cảm nhận được, qua mỗi chuyến đi mình đã tô điểm thêm cho cuộc sống của mình thú vị hơn, yêu đời, yêu cuộc sống này hơn. Đến với Hội Nhân Ái, bạn sẽ có được một ngày đầy ý nghĩa và một ngày “bao vui, bao cười”...với các trò chơi của chị Đàm và bạn sẽ tìm lại những giây phút tuổi thơ trong trẻo của chính mình!
          Hẹn được mặc lại chiếc áo màu xanh của Hội Nhân Ái trong những lần kế tiếp.


Trương Kiều Tưởng ( Công ty Nidec Copal)




Nhật ký chuyến từ thiện Chủ nhật, ngày 21 tháng 05 năm 2017

“ Con mới chào đời đôi mắt đã khép kín 
Không thấy mặt trời cũng chẳng thấy mẹ cha 
Không thấy cuộc đời đang tràn đầy sức sống 
Chỉ biết quanh mình là bóng tối tràn lan. 
Con muốn bước đi mà chân không dám bước 
Chỉ ngồi một mình rồi nước mắt tuôn rơi 
Con muốn được nhìn nhìn bằng đôi mắt sáng 
Dù chỉ một lần được một lần mà thôi. 
Rồi một ngày kia con nhìn thấy mặt trời 
Bằng đôi mắt ân tình của mọi người xung quanh 
Con đã được nhìn nhìn bằng đôi mắt sáng 
Sáng trong tình người chan chứa yêu thương. 
Và dòng thời gian đưa con bước vào đời 
Cùng đôi mắt này con đã vững tin hơn 
Cùng đôi mắt này đôi chân con vững bước 
Bước trong cuộc đời còn lắm chông gai. 
Con xin nói lên lời cám ơn chân tình nhất 
Con xin cám ơn bằng tất cả tâm tư 
Con xin ngàn đời ngàn đời ghi sâu mãi 
Đôi mắt ân tình của những tấm lòng yêu thương.”
( Bài hát Cảm ơn đôi mắt ân tình)

Giọng hát trong trẻo cùng với lời bài hát như một lời tâm sự buồn vang lên từ một em bé khiếm thị đã làm chúng tôi xúc động, lặng đi ... Tôi nhớ đến nội dung một câu chuyện kể của Thiền sư Minh Niệm. Có 1 anh chàng khiếm thị ngồi ăn xin bên đường. Trước mặt anh ta là dòng chữ của ai đó đã viết giùm “ Tôi bị mù, xin cho tôi tình thương”. Cả buổi sáng người ta chỉ bỏ vào chiếc mũ của anh ta vài đồng bạc lẻ ít ỏi. Một người nào đó đi qua thấy vậy đã lật trở lại mặt sau của tấm bảng và viết lên đó “ Bầu trời hôm nay mát mẻ thật là tuyệt đẹp. Ước gì tôi được 1 lần  nhìn thấy bầu trời. Tôi chúc mừng cho các bạn  đã được tạo hóa ban tặng cho thứ quý giá nhất đó là ĐÔI MẮT”. Buổi chiều hôm ấy, người ăn xin đã nhận được rất nhiều tiền! Các bạn biết vì sao không? Vì những người qua đường chợt nhận ra rằng mình đã rất may mắn và họ sẵn sàng trao tặng chút tiền lẻ cho người ăn xin. Khi có ai đó ao ước có được cuộc sống như mình, mình mới thấy hạnh phúc đang ở thật gần gũi biết bao!
Tôi thấy mình cũng như những người qua đường hôm ấy. Bao lâu rồi chúng ta dần không quan tâm đến những thứ tưởng chừng như đơn giản, bình thường hiện hữu trong cuộc sống của mình. Thế giới ánh sáng mà chúng ta đang có, đang nhìn thấy là một niềm mơ ước cháy bỏng, một nỗi khát khao vô cùng to lớn của những người khiếm thị….
Mãi đến hôm nay tôi mới sắp xếp được 1 buổi sáng cuối tuần để cùng Hội Nhân Ái ghé thăm Trung Tâm Khiếm Thị Nhật Hồng. Nơi đây nuôi dạy các trẻ mồ côi mù với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có em mồ côi, cũng có em có gia đình cha mẹ gửi vào trung tâm nuôi dưỡng, dạy dỗ để các em hòa nhập cuộc sống. Cuối tuần gia đình đón các em về sinh hoạt với những người thân yêu. Đó là những em may mắn hơn các bạn của mình - cuối tuần không có nơi để trở về. Các em được học văn hóa phổ thông, được dạy nghề tùy theo sở thích của cá nhân như đan, móc, massage. Một số em làm tôi ngạc nhiên vì biết chơi cả đàn piano, ghita. Hầu hết các em tự tin, vui vẻ. Qua tiếp xúc, chơi đùa, chia sẻ, chuyện trò cùng các em, tôi mới thấu hiểu về những thiệt thòi mà các em đang gặp phải. Có em hỏi “Chị chị, em thích được đi chơi lắm, em qua đường bên kia có sao không chị? Em có được về lại đây nữa không?” “ Chị ơi! Em muốn tự mình về nhà” “Chị ơi! Chị cho số điện thoại để em gọi cho chị nhé, em gọi cho chị lúc nào thì được ạ?” … Suốt cuộc trò chuyện các em luôn nắm tay tôi như cứ sợ tôi đi mất. Nhìn các em hồn nhiên, vô tư, say sưa với những ước mơ rất đỗi bình dị mà thấy nghèn nghẹn trong lòng.
Các em được dạy để có thể tự chăm sóc bản thân, làm những việc vặt như lau bàn, dọn ghế, rửa chén, quét nhà,…Chúng tôi nhìn thấy các em làm được nhiều việc trong trật tự và nề nếp.
Tuy thiệt thòi vì không được ngắm nhìn cảnh sắc, cuộc sống và mọi thứ xung quanh bằng mắt thường, nhưng tôi mong và tin các em khiếm thị có cả một thế giới trong tưởng tượng rất đẹp và sinh động.
Tôi hình dung tương lai phía trước của các em sẽ còn rất nhiều khó khăn khi phải sống trong thế giới của bóng tối, phải làm mọi việc bằng cảm giác của đôi bàn tay và trí nhớ. Thấy thương các em nhiều hơn.
Chia tay các em, tôi học được điều đơn giản là chúng ta nên trân trọng những gì mà mình đang có, vì chúng ta may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người. Được cuộc đời ban tặng cho đôi mắt sáng, khối óc minh mẫn, cơ thể lành lặn,... tôi sẽ vượt qua hết những khó khăn trước mắt đang chờ. Tôi cảm thấy yêu quý hơn giây phút hiện tại của mình.
Cảm ơn cuộc đời.

Phan Thị Kim Nguyên ( Techcombank Hồ Chí Minh)
Nhật ký chuyến từ thiện ngày 09 tháng 04 năm 2017

Hôm ấy, cũng như mọi ngày tôi thức dậy trong tiếng chim hót, tiếng gà gáy giữa thành phố Sài Gòn sôi động và nhộn nhịp, nhưng hôm nay tôi thấy có cảm giác bình yên lạ. Một ngày mới nhiều mong đợi sẽ bắt đầu, ngày mà tôi biết rằng mình sẽ có nhiều kỷ niệm hơn những ngày bình thường khác.
Cũng như những người trẻ được sống trong một thành phố năng động, tôi luôn có những ngày làm việc vất vả, chạy theo cái hối hả của cuộc sống thị thành với một quy trình như được lập sẵn. Sáng ra, hòa với dòng người và xe cộ nhích từng chút một để đến được công ty đúng giờ, tôi lao vào hàng đống công việc như cái máy, tan giờ làm trở về nhà lại bận rộn với những công việc không tên khác, loay hoay rồi cũng kết thúc một ngày. Cứ như vậy,  ngày qua ngày cái vòng quay ấy cứ lặp đi lặp lại một cách đơn điệu nhàm chán, thì những chuyến đi với Hội Nhân Ái lại như những nốt nhạc trầm để tôi lắng lòng lại, sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống xung quanh. Qua những chuyến đi giúp tôi có thêm những gam màu khác tô điểm thêm cho cuộc sống của mình.
Đây không phải lần đầu tiên tôi tham gia các chuyến đi với Hội Nhân Ái. Tôi cũng đã nhiều lần tiếp xúc với những mảnh đời sống trong bóng tối, chứng kiến những cụ già mắt mờ chân yếu đi đứng khó khăn, không thể tự vệ sinh cá nhân, tôi đã quen thuộc với các em bé mồ côi ngây thơ ở những mái ấm  tôi đã từng đến… Có người nghĩ rằng, cứ ngỡ đi nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh, người ta sẽ chai sạn dần cảm xúc. Nhưng không, đối với tôi, mỗi chuyến đi lại là một trải nghiệm mới. Ở nơi đó, tôi được gặp những hoàn cảnh mới, lắng nghe những tâm sự mới và cảm nhận những cảnh đời rất khác.
Thật ra khi em Thúy gửi cho tôi chương trình của Hội, tôi còn chưa xem được khi nào mình sẽ đi, nơi nào mình sẽ đến và chuyến hành trình này sẽ như thế nào. Khi em ấy hỏi là sẽ đăng ký cho chị một chỗ nhé? Ừ, thì cứ “vác ba lô” lên mà đi thôi, sao lại phải suy nghĩ và lựa chọn.
Điểm dừng chân của chúng tôi đến hôm nay là Chùa Long Thạnh ( Long An). Các Thầy Cô ở đây đang nuôi dưỡng, cưu mang và dạy học cho gần 200 đứa trẻ đủ các hoàn cảnh, đủ mọi lứa tuổi, từ lớp 1 đến lớp 12. Có những bé mồ côi và cũng có những bé do nhà nghèo ba mẹ (ở khắp mọi miền đất nước) nghe nơi đây cưu mang những đứa trẻ, cũng đã gửi con vào Chùa này. Không có cha mẹ nào muốn sinh con ra để rồi gửi con cho người khác nuôi, nhưng chắc do hoàn cảnh quá nghèo đành phải gạt đi nỗi nhớ ( có khi cả nước mắt) để gửi con nương nhờ cửa Phật. Ở độ tuổi ấy, đáng lẽ các em phải được cha mẹ bảo bọc, yêu thương, chăm sóc. Thế nhưng không, những đứa trẻ ấy giống như những con chim non chưa đủ lông đủ cánh có cùng chung số phận là bị tách khỏi vòng tay yêu thương của gia đình, thì Chùa Long Thạnh như một “đôi cánh lớn” che chở chúng giữa những cơn giông bão cuộc đời, tiếp sức cho chúng “bay” tiếp đoạn đường còn rất dài phía trước.
Các em ở đây đã qua cái tuổi đòi ẵm bồng, qua cái thời thích đồ chơi nên chương trình lần này có một chút khác so với những lần trước tôi từng tham gia. Sau khi tập hợp các em lại, chúng tôi đi phát bánh cho từng em. Số lượng các em rất đông. Do chênh lệch độ tuổi nên chúng ngồi thành từng nhóm tách biệt nhau. Để tạo không khí thân thiện vui vẻ, chị Đàm hôm ấy đảm nhiệm vai trò người quản trò, dẫn dắt chúng tôi sinh hoạt với các em. Dưới cái nắng như thiêu đốt, một tấm màn mỏng bao trùm khoảng sân trên đầu thật sự không cản được cái oi bức mà chúng tôi cảm nhận được, nhưng điều đó không làm khó chúng tôi và lũ trẻ. Mỗi đứa trẻ xung phong hát hoặc xung phong tham gia trò chơi đều được tặng bánh cho nên chúng rất vui, hào hứng. Chúng tôi cùng các em nắm tay nhau đứng thành vòng tròn ca hát, chơi đủ loại trò chơi… Cũng từ rất lâu rồi, tôi đã qua thời niên thiếu. Những trò chơi tập thể dường như đã ngủ yên trong tôi, thì nay được “thức dậy”. Chúng tôi hòa lẫn cùng các em để các em cảm nhận không còn nhận ra sự phân biệt nào. Cùng chơi chung với các em mới biết rằng đó là những đứa trẻ vô cùng thông minh và lanh lợi. Dường như không điều gì có thể làm khó được chúng. Có nhiều anh chị trong đoàn chúng tôi trở thành “người bị thua cuộc” bất đắc dĩ trong các trò lém lỉnh của chúng. Các em nắm lấy bàn tay chúng tôi, bắt lấy chúng tôi, phạt chúng tôi, yêu cầu chúng tôi hát hoặc làm trò. Khi ra về tôi cứ nhớ nhất trò chơi “chén dĩa ly” mà chỉ nghĩ đến nó thôi đã thấy vui rồi. Bàn tay xòe ra là cái dĩa, khum khum lại là cái chén và chụm lại là cái ly. Các bạn chỉ cần vừa hát vừa thực hiện bàn tay theo lời bài hát : “Chén dĩa ly - chén ly - chén dĩa ly”.  Những tiếng cười, tiếng hát, tiếng reo hò cứ vang mãi vang mãi và đọng vào trái tim của mỗi chúng tôi. Điều này không chỉ riêng mình tôi mà tất cả anh chị em trong đoàn đều có chung cảm nhận như vậy.  Chỉ cần nhìn khoảnh khắc các anh chị em vui chơi với các em, những cái ôm siết chặt, những nụ cười rạng rỡ, tôi hiểu được, yêu thương không bao giờ bị thu hẹp lại mà chỉ lan tỏa lan tỏa ngày càng rộng ra. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ cùng các em vui chơi đã làm sống lại trong tôi cả một khoảng trời thơ ấu trong trẻo mà sự trưởng thành vô tình cuốn đi cái hồn nhiên ấy. Tôi nhận ra rằng, chúng cũng rất cần lắm những món ăn tinh thần như ngày hôm nay. Tuổi thơ là quãng thời gian đẹp nhất, nhưng mấy ai đã nghĩ ra và cho chúng những khung trời kỷ niệm để khi lớn lên chúng còn có cái để nhớ ….
Khi mọi người dường như đã thấm mệt thì trong sân chỉ còn khoảng một nửa số em còn tham gia, hầu hết là các em ở lứa tuổi nhỏ. Nhìn thấy khoảng sân vắng hơn lúc ban đầu, tôi chợt hiểu ra, như một điều hiển nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng hào hứng và nhiệt tình tham gia tất cả các trò chơi, có một số các em lớn đã tản đi nơi khác. Khi lớn lên các em giàu cảm xúc, tình cảm và sâu sắc hơn. Chúng hiểu rằng, rốt cuộc thì chúng tôi cũng chỉ là những vị khách ghé thăm trong chốc lát rồi chút nữa đây chúng tôi cũng lại chia tay và lên đường. Mặc dù có gần gũi yêu thương bao nhiêu đi nữa, chúng tôi cũng không thể nào thay thế được tình cảm của cha mẹ chúng. Đó là điểm khác biệt lớn giữa tuổi thơ chúng tôi khi tham gia trò chơi và chúng bây giờ. Lúc còn nhỏ, chúng tôi chơi  vô tư từ đầu đến cuối, bởi khi trở về nhà đã có ba mẹ đang chờ, còn chúng thì không…. Bỗng thấy nặng lòng!
Hành trình tiếp theo là Hội Nhân Ái đến với gia đình hai em mồ côi, hiện sống với ông bà ngoại trong 1 căn nhà thuê. Ông ngoại đang nằm viện – mà theo lời kể của bà ngoại thì cũng không còn sống được bao lâu nữa vì bệnh giờ đã ở giai đoạn cuối, không thể về nhà được vì phải nằm bệnh viện để thở oxy. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của bà con làng xóm và tiền làm thuê giúp việc của bà ngoại. Có Anh Nguyễn Quang Ninh – thành viên của Hội đã có ý tốt nhận cưu mang hai em lo cho ăn học sau này. Đây cũng là một cơ hội tốt cho hai em, nhưng việc quyết định còn tùy thuộc vào bà ngoại và hai em. Anh Ninh - một tấm lòng nhân ái.
Trên chuyến xe đi san sẻ yêu thương hôm ấy không chỉ có những gương mặt quen thuộc mà còn có thêm hai “thiên thần bé nhỏ” đi cùng. Ắt hẳn mẹ các bé muốn hai đứa trẻ cảm nhận và học cách yêu thương. Tôi không biết chị sẽ nói với các bé những gì và chúng có hiểu hết ý nghĩa hay không, nhưng thông qua việc chị cho các bé tham gia vào chuyến hành trình này là chị đã ươm những mầm xanh tốt tự nhiên vào trái tim và tâm hồn chúng. Chị chọn cách cho các con trải nghiệm để yêu thương, những điều mà trên sách vở không bao giờ có thể lột tả trọn vẹn được.
Từng có ai đó đã nói với tôi “Hãy cứ vô tư cho đi những gì bạn có mà không cần nhận lại”.  Nhưng đối với tôi, mỗi chuyến đi tôi đã nhận lại rất nhiều. Tôi được nhận những nụ cười hồn nhiên, những ánh mắt mong chờ, những cái ôm ấm áp, những lời cảm ơn chân thành và nhiều hơn thế nữa. Đó là những thứ tôi không thể mua được bằng tiền.
Qua những chuyến đi cùng Hội Nhân Ái, chợt nhận ra, tôi chỉ có một ước mong, đó chính là cầu mong những chuyến đi của Hội ít dần đi - để tôi có thể tin rằng trên đất nước mình không còn quá nhiều những mảnh đời cần tình thương nữa.

Lương Thị Lành ( Kinden Việt Nam)


Nht ký chuyến t thin ngày Ch nht 20 tháng 3 năm 2016

Sài Gòn 5 gi sáng!
Có l cũng đã lâu lm ri tôi mi có dp  quan sát Sài Gòn vào lúc bình minh như thế này.Thành phố đã dy t rt sm. Người và xe c trên các tuyến đường vn vi vã mc dù không tp np, đông đúc như thi đim tôi thường đi làm. Tôi là thành viên th hai bước lên chuyến xet thin. Đim đến ca chúng tôi hôm nay là tr s ca Hi người mù huyn Hóc Môn.Chiếc xe tiếp tc dng mt s nơi để đón thêm các thành viên ca Hi Nhân Ái. Trên xe không chỉ các thanh niên mà còn có s góp mt ca 2 Bác gái ln tui, đều ngoài by mươi.Hi mình tng cng có 15 thành viên đi chung 1 xe và 1 anh t đi xe máy đến Hóc Môn. Đó là anh Ninh   phóng viên chiến trường ca Hi mình đó.
Chúng tôi ăn sáng trên xe vi 1 bánh mì và chai nước sui. Ăn sáng xong, ch Đàm cũng tranh thủ chia nhóm phân công công vic ngay khi xe đang di chuyn.Vic này mi người đã có kinh nghim, do đã nhiu ln tham gia, nên ai cũng hào hng và hiu công vic ca mình được giao.
Khong hơn 8 gi, chúng tôi  mi đến được đim hn. Cũng nh có anh Ninh đến trước nên đã gi đin liên lc, hướng dn cho xe chúng tôi đi nhanh chóng. Nếu không được ch đường chc xe chúng tôi còn đến tr hơn na. Khi xe dng, mi người cùng nhau ôm nhng bao đồ cũ xung xe. Nhng người mù đã ngi dc hai bên con hm nh. Cơ s vt cht đây khá khó khăn, ch có 1 s ít các Bác, các C được ngi bên trong căn nhà cht hp, ngt ngt, nhưng được cái là có ghế da lưng, thích hp cho người ln tui. Còn li hu hết là phi ngi ngoài tri.Các Bác sĩ cũng đã chun b sn sàng cho chuyên môn nghip vụ” ca mình.Hi Nhân Đức chia thành ba bàn làm vic.Hai bàn khám bnh và mt bàn phát thuc.Chúng tôi nhanh chóng sp xếp quà gn gàng và mi người ráp đúng vào v trí đã được phân công.Khâu Ban t chc gii thiu din ra nhanh gn ch trong vài phút, đó là thi gian để Bác Ch tch Hi Người mù có vài li vi đoàn t thin.Chương trình t thin bt đầu.
Tng người được gi tên và chúng em phân công nhau dn đến bàn khám bnh.Lúc đầu mi vic không được suôn s, do không gian khá cht chi, đường đi b dc, không bng phng, mà nhng người khiếm th li ngi ri rác.Mi người di chuyn s cn mt thành viên h tr.Tuy nhiên, chỉ mất một thời gian ngắncông việc này đã dần ổn định.Bạn của em được cầm danh sách gọi tên và các thành viên sẽ sắp xếp khoảng 2,3 người vào vị trí bàn khám, khám xong nhóm khác sẽ cầm đơn thuốc đưa về khu vực lấy thuốc và dẫn mọi người về chỗ ngồi. Sau khi nhận thuốc, nhóm còn lại sẽ có nhiệm vụ đưa thuốc đến tận tay từng người bệnh. Chúng em được dặn dò cẩn thận là khi giao thuốc phải hỏi thật kỹ có phải bác tên là…, tuổi là …, bệnh là …, hướng dẫn rõ ràng để đảm bảo không có ai bị giao nhầm thuốc.Một khi liên quan đến thuốc thì mọi việc cần phải cẩn trọng hơn rất nhiều, đặc biệt với những người khiếm thị.Các bác sĩ khám bnh va xong cũng va kp lúc nhng phn cơm được mang đến, chúng tôi nhanh tay xếp tng phn cơm b vào tng bao mt. Lúc này, c nhóm chung tay nhau chia s phn quà. Ai cũng có vic. Bác ln tui nhn phn tng bao lì xì, chúng em sc thanh niên s bưng bê tng thùng mì tôm kèm 1 gói qun áo cũ, mt nhóm na tng thêm phn cơm trưa cùng đến trao tn tay nơi các bác, các c ngi. Mt s Bác có thêm chai sa tm do mt người ng h thêm my thùng sa tm. Mc dù tri lúc này cũng đã gn trưa, khá nng và nóng, nhưng nhìn khuôn mt phn khi, hnh phúc ca mi người nơi đây đã xóa hết nhng mt mi ca chúng tôi.Đoàn bác sĩ rt chuyên nghip, h thu dn rt nhanh, gn gàng, mi đó mà đã không thy my anh ch y đâu. Gi đin í i ri cũng tp hp được hai Hi để cùng nhau chp nhng tm hình chunglàm k nim.
Chúng tôi cùng nhau ghé mt quán bình dân ăn trưa nói cười vui v thân thin, cùng hn s gp nhau trong nhng ln ti. Có ai đó nói vui, hai Hi mình cùng mt h NHÂN, ông Tri đã khéo se duyên cho anh em cùng H gp nhau Ăn trưa xong hai hilưu luyến chia tay, mi đoàn  tr v vi chuyến xe quen thuc ca mình.
Gi ngi trên xe nh li, trong phn quà tng ca Hi mình, có nhng bch qun áo cũ. Tt c đều được phân loi, gp cn thn và đóng gói vào nhng gói nh gn gàng, trông rt đẹp.Tâm s ca mt ch trong hi làm ai cũng suy nghĩ: Mình cho ai món quà nàocũng phi có cái tâm trong đó. Quà trao đi phi nghĩ đến người s dng.Mt b qun áo cũ nhn được mà m ra st nút, sút ch, dây thun qun b giãn, thì người nhn được nhng phn quà này làm sao vui v được.Món quà y cho đi nhưng có khi vô nghĩa vi người nhn thì đó không còn là s cho đi na, vì h s không vui. Tôi đã hc được nhiu điu t nhng vic đơn gin y. Đúng là đi mt ngày đàng hc được sàng khôn.
Chiếc xe ln lượt giao trả” mi người ti nhng địa đim đón lúc ban sáng. Xe vơi dn.Mc dù hôm nay ai cũng phi thc dy sm hơn và mt hơn, nhưng sau nhng chuyến t thinnhư vy chúng tôi đều thy vui v và càng gn bó vi nhau.
Nhóm các bn Công ty Nidec Copal ca chúng tôi - ai cũng mong mun Hi Nhân Ái thường xuyên t chc nhng chuyến t thin. Đây là chuyến đi mà các bn tôi và c tôi đều mong ch t sau Tết Bính Thân. Khi nghe ch Thúy thông báo đã có thông tin chuyến t thin tháng 3 mi người rt phn khi. Cm ơn ch Thúy rt nhiu đã ni kết chúng tôi vi Hi và đã thu xếp được xe để chúng tôi được tham gia vui như vy.
Chia tay mi người chúng tôi li tiếp tc ch đợi thông tin ca chuyến đi tiếp theo để cùng gp nhau, cùng mang nim vui đến cho người bt hnh.

Mong sao chúng tôi sm được hi ng.

Thu Diễm

No Response to "NHAT KY TU THIEN"

Add Your Comment